Trạm sơ cấp cứu tai nạn: Hiệu quả và khó khăn
LSO- Lạng Sơn có 9 trạm sơ cấp cứu tai nạn trên các trục quốc lộ 1A, 1B đi qua các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Cao Lộc. Nếu có trường hợp bị tai nạn giao thông, các tình nguyện viên sẽ xử lý sơ cấp cứu sau đó đưa lên các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa. Công việc là vậy, nhưng hiện nay, kinh phí hằng năm cho mỗi trạm cao nhất cũng chỉ được 1,5 triệu đồng, người túc trực tại trạm không có thù lao..., đây là những khó khăn thực tại của trạm sơ cấp cứu.
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, từ khi các trạm sơ cấp cứu trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, cho đến nay đã tiến hành sơ cấp cứu được 177 vụ tai nạn với trên 240 người. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, sơ cấp cứu được 10 vụ, cứu và cấp cứu cho 19 người, góp phần đáng kể vào việc giảm hậu quả đáng tiếc do tai nạn xảy ra, đặc biệt là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông.
Các tình nguyện viên ra mắt và tiếp nhận dụng cụ y tế tại Trạm cấp cứu xã Sơn Hà – Hữu Lũng
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: những năm qua, Hội CTĐ tỉnh đã thành lập được các trạm sơ cấp cứu hoạt động có hiệu quả. Để có được kết quả tốt là do lực lượng tình nguyện ở các trạm hoạt động rất nhiệt tình và có trách nhiệm. Không những hỗ trợ cấp cứu các vụ tai nạn mà còn hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trên an toàn. Những năm qua, Hội CTĐ đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh lắp các biển thông báo trạm, điểm sơ cấp cứu ở những điểm đen tai nạn, trên biển có ghi rõ số điện thoại của tình nguyện viên. Do vậy, khi có tai nạn xảy ra, người đi đường có thể nhìn vào biển báo và gọi lực lượng tình nguyện viên đến sơ cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, Hội CTĐ thường xuyên mở lớp tập huấn sơ cấp cứu cho các tình nguyện viên để họ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc cấp cứu cho người bị nạn. Để nâng cao hiệu quả sơ cấp cứu, các tình nguyện viên thường xuyên luyện tập, chia sẻ kinh nghiệm về sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp như tai nạn giao thông, đuối nước, mắc dị vật vòm họng…
Có thể nói, việc thành lập các chốt sơ cấp cứu của Hội CTĐ đã góp phần đáng kể làm giảm bớt thương vong cho những người bị nạn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiệu quả là vậy nhưng các trạm sơ cấp cứu hiện gặp nhiều hạn chế trong việc cấp cứu nạn nhân. Nguyên nhân chính là do kinh phí cấp để mua bông, băng, gạc sát trùng… còn quá ít. Trung bình mỗi năm, các trạm sơ cấp cứu tai nạn chỉ được cấp từ 1 – 1,5 triệu đồng để trả chi phí cho các dụng cụ y tế, ngoài ra các tình nguyện viên không có tiền trợ cấp hay được trả lương để hoạt động.
Bên cạnh đó, khó khăn về nhân lực và vật lực như các trạm sơ cấp cứu hiện nay mới chỉ thành lập được trên các tuyến quốc lộ 1A, 1B, người đảm nhận công tác sơ cấp cứu chủ yếu là tình nguyện viên CTĐ nên năng lực chuyên môn chưa cao, chỉ đáp ứng được công tác sơ cứu đối với các chấn thương nhẹ. Hơn nữa, do các chốt sơ cấp cứu còn đặt cách xa đường hoặc đặt ở nhà văn hóa của thôn nên trang thiết bị sơ sài, không đảm bảo sơ cứu đối với chấn thương nặng…
Ông Hà Văn Qúy, người đã có 6 năm làm việc sơ cấp cứu tại Trạm sơ cấp cứu thôn Tân Thành, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng chia sẻ: công việc đòi hỏi người tình nguyện viên phải túc trực thường xuyên, dù nắng, mưa hay đêm hôm khi nhận được tin báo các tình nguyện viên đều phải sẵn sàng lên đường tới nơi xảy ra tai nạn sớm nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, kinh phí được cấp còn ít cho nên việc đầu tư mua thuốc thang và thiết bị sơ cấp cứu còn bị hạn chế, do vậy, việc sơ cấp cứu ban đầu cũng chưa hiệu quả rõ rệt.
Hoạt động sơ cấp cứu mang tính chất nhân đạo, từ thiện tác động đến nhận thức của cộng đồng và xã hội. Mặc dù họ làm việc trên tinh thần tự nguyện nhưng để hoạt động sơ cấp cứu duy trì tốt cần các cấp, ngành chức năng quan tâm đến việc chi trả phụ cấp hay thù lao để động viên những “bác sỹ áo đỏ” thêm nhiệt huyết, tận tâm với công tác nhân đạo.
Bài, ảnh: ĐĂNG THÙY
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()