Thứ 5, 06/02/2025 15:50 [(GMT +7)]
Trạm quân dân y- niềm tin của người dân biên giới
Thứ 4, 22/12/2010 | 10:02:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chị Vi Thị Nhọt, thôn Pò Liềng đã có tiền sử bệnh loét dạ dày từ lâu. Do “sơ xuất”, không kiêng khem được trong khi ăn uống nên đã bị xuất huyết tiêu hóa. Ở nơi thôn xa như thế này đường xá lại khó khăn, nếu đưa đến Trung tâm y tế huyện thì có lẽ đã tử vong. Được đưa vào bệnh xá quân dân y của Nông lâm trường 196 và cấp cứu kịp thời; khi cơn nguy kịch của vợ đã qua, chồng chị luôn cám ơn “bác sĩ bộ đội”. Vì nếu không có “bệnh viện bộ đội” thì không biết làm thế nào…
Bác sĩ Hoàng văn Dũng, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y của Nông lâm trường 196 nói rằng “Không biết trước đây thế nào, song gần 10 năm đóng quân tại đây, bệnh xá luôn phải thường trực cấp cứu những ca hiểm nghèo, nhất là các tai nạn thương tích trong sinh hoạt và giao thông, cũng như các căn bệnh hiểm nghèo khác”. Thật vậy, năm 2009 ngoài việc khám và điều trị cho cán bộ chiến sĩ đơn vị, bệnh xá đã thực hiện khám chữa bệnh (KCB) cho 2000 lượt bệnh nhân là nhân dân các dân tộc xã Xuất Lễ, Mẫu Sơn và một số thôn bản của xã Cao Lâu. Trong 11 tháng của năm 2010 đã KCB cho 1135 bệnh nhân, điều trị 180 lượt, có 48 trường hợp cấp cứu và 55 trường hợp phải chuyển tuyến. Có ngày, bệnh xá phải thực hiện cấp cứu đến 5 ca, toàn những ca hiểm hóc như rắn cắn, nhện rừng cắn, tại nạn sinh hoạt, tai nạn lao động do người dân đi làm nương rẫy…
Cán bộ quân y Bệnh xá quân dân y Nông lâm trường 196 cấp cứu người bệnh |
Tuy quân số của bệnh xá được biên chế rất ít, song với tinh thần trách nhiệm của một bệnh xá quân dân y, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị không “ngồi chờ” bệnh nhân, mà phối kết hợp chặt chẽ với Trạm y tế xã Xuất Lễ và Mẫu Sơn thường xuyên đi cơ sở. Nhân dân các thôn bản không thể quên hình ảnh của những bác sĩ quân hàm đỏ đi đến từng thôn bản với các phương tiện truyền thông và trang thiết bị y tế gọn nhẹ trong tay để tuyên truyền bà con ăn ở vệ sinh đề phòng dịch bệnh; tuyên truyền phòng chống sốt rét, thực hiện dân số KHHGĐ, tiêm chủng cho trẻ em, khám bệnh cho người già…
Mỗi chuyến đi “thực tế” như vậy, không những tình cảm với bà con thêm gắn bó, mà các cán bộ chiến sĩ còn tìm hiểu phong tục tập quán của các địa phương, dân tộc; vận động bà con thực hiện tốt các chính sách của Đảng và nhà nước, chủ trương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; cũng qua các chuyến đi đó, họ có thêm những kiến thức về y học dân gian, tìm hiểu những bài thuốc hay, những cây thuốc quý, bổ sung vốn kiến thức về y học cổ truyền của đồng bào các dân tộc cho đội ngũ cán bộ của mình.
Chi Vũ Thị Cúc, Trạm trưởng trạm y tế xã Xuất Lễ cho chúng tôi biết, hầu như đã trở thành truyền thống, sự phối kết hợp giữa hai trạm đã đi vào “chiều sâu”. Trong điều kiện một trạm y tế xã còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực và trang thiết bị y tế, thì hoạt động của Bệnh xá Quân dân y đã góp phần “giảm tải”, nâng cao chất lượng KCB và thực hiện các chương trình y tế QG ở một địa phương có diện tích rộng, địa hình phức tạp và có tới trên 5.500 dân này. Thành tựu của y tế cơ sở xã Xuất Lễ có phần đóng góp rất lớn của cán bộ chiến sĩ bệnh xá.
Xuất phát từ tình cảm và thực tế ở địa phương, bà con thường “thích” được đến khám và điều trị tại “bệnh viện bộ đội”. Vì ở đó không những có thuốc tốt, trang thiết bị y tế khá hiện đại với máy siêu âm, máy tạo ô xy… mà giường nằm và điều kiện chăm sóc cũng tốt hơn nhiều. Quan trọng hơn là thái độ của đội ngũ cán bộ y tế Bệnh xá luôn đúng mực, gần gũi, thăm hỏi, động viên người bệnh trong tình quân dân thắm thiết.
Với vị trí xa trung tâm huyện, phòng khám ĐKKV Ba Sơn lại chưa có bác sĩ và việc thực thi nhiệm vụ của “bác sĩ 1816” ở Xuất Lễ còn hạn chế, thì việc tăng cường đầu tư cho Bệnh xá Quân dân y của Nông lâm trường 196 là rất cần thiết. Được như vậy, nhân dân các xã biên giới mới đỡ vất vả và cũng là điều kiện để Nông lâm trường gắn bó lâu dài, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao trên vùng đất biên cương còn nhiều gian khó này.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()