“Trạm kết nối cộng đồng” lan tỏa lối sống thân thiện
Xây dựng tại tổ hợp chung cư Le Grand Jardin (Long Biên, Hà Nội), “Trạm kết nối cộng đồng” là một mô hình trải nghiệm với nhiều dịch vụ hữu ích cho cư dân để kết nối cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mô hình trải nghiệm dịch vụ cộng đồng thông minh
Được triển khai thực hiện từ tháng 3-2022, “Trạm kết nối cộng đồng” tại tổ hợp chung cư Le Grand Jardin là một phần trong quá trình nghiên cứu các dịch vụ thông minh cho cộng đồng tại Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội do liên doanh Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam) thực hiện. Trong dịp khai trương mô hình trải nghiệm dịch vụ cộng đồng thông minh, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ về mục tiêu của dự án là xây dựng và tạo lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của một Hà Nội hiện đại, sánh ngang với các thành phố tiên tiến trên thế giới, giúp người dân tận hưởng những gì thông minh nhất tại Việt Nam.
Tại tổ hợp chung cư Le Grand Jardin, “Trạm kết nối cộng đồng” chia ra 4 khu vực với các dịch vụ tích hợp bao gồm: Khu vui chơi có các thiết bị như vượt chướng ngại vật, nhà bóng, cầu trượt, lắp ghép hình thú, trải nghiệm nấu ăn… Tại đây, phụ huynh có thể giám sát con từ xa thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt và camera IP thông minh. Khu cà phê cộng đồng cung cấp đồ uống, món ăn phù hợp sức khỏe và thói quen sinh hoạt của cư dân. Khu chia sẻ kỹ năng đáp ứng nhu cầu mượn một số vật dụng sinh hoạt cho các hoạt động giải trí, thể thao, dã ngoại. Phòng cộng đồng với đầy đủ các trang thiết bị cho lớp học, các buổi chia sẻ kỹ năng sống hay trải nghiệm yoga, thể thao. Khu chăm sóc sức khỏe tổ chức hội thảo tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho mọi người.
Khu thư viện thu hút nhiều trẻ em đến đọc sách. |
Mô hình triển khai ban đầu nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Hằng ngày, các dịch vụ mở cửa phục vụ từ 14 giờ đến 21 giờ. Cư dân được trải nghiệm dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Anh Nguyễn Văn Thắng, quản lý đội vận hành, cho biết: “Không đơn thuần là cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí, đến đây mọi người có cơ hội tham gia và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị mang tính cộng đồng cao. Mọi hoạt động diễn ra dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của đội ngũ nhân viên vận hành. Trung bình mỗi tuần, trạm đón hàng nghìn lượt người tham gia các hoạt động tại đây”.
Kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống
Vào 15 giờ hằng ngày, chị Nguyễn Thị Mai Hường (tòa G1, chung cư Le Grand Jardin) lại đưa con xuống “Trạm kết nối cộng đồng” chơi. Cả ngày đi làm, chị Hường phải nhờ ông bà trông con giúp. Ở chung cư không gian khép kín, trẻ ít có sự giao lưu, vui chơi. Từ khi trạm đi vào hoạt động, nơi đây trở thành “điểm hẹn” cho con chị Hường cũng như nhiều trẻ em trong chung cư và khu vực xung quanh.
Chị Hường chia sẻ: “Khu vui chơi có nhiều thiết bị hiện đại và các hoạt động hấp dẫn đối với trẻ em. Tại đây, nhân viên vận hành thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động tập thể để kết nối trẻ với nhau. Nhờ vậy, trẻ em được vận động thoải mái, còn phụ huynh thì yên tâm hơn khi có khu vui chơi an toàn, bổ ích”. Mọi hoạt động ở đây đều gắn với giáo dục. Nếu trẻ tự chơi thì chỉ là vận động thuần túy, nhưng khi có người hướng dẫn thì hoạt động vui chơi có tính kỷ luật, có sự giao tiếp, chia sẻ đồ chơi với nhau. Được trải nghiệm các hoạt động, trẻ có điều kiện phát triển thể chất và các kỹ năng giao tiếp xã hội.
Thực tế hiện nay, các khu phố, khu chung cư đều có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, các công trình này chủ yếu để hội họp, các hoạt động chưa hướng đến nhiều thành phần, không có các tiện ích để vui chơi, giải trí. “Trạm kết nối cộng đồng” được mở ra đã giải quyết vấn đề cơ bản tồn tại trong nhịp sống hiện đại, đó là gắn kết mọi người lại với nhau, cùng tham gia các hoạt động. Trạm có các dịch vụ cần thiết để hoạt động, vì vậy công năng sử dụng triệt để hiệu quả chứ không phải là công trình chỉ mở ra sử dụng khi có việc. Với ý nghĩa cộng đồng, trạm hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Ví như trẻ có khu vui chơi riêng, người lớn cũng có nơi thư giãn đọc sách, trải nghiệm các hoạt động nấu ăn, chăm sóc sức khỏe. Trạm cũng có các câu lạc bộ khiêu vũ, dân vũ, yoga, vẽ tranh, chơi đàn… đáp ứng nhu cầu của nhiều cư dân.
Tiến sĩ Trần Thị Hường, quản lý mô hình, cho biết: “Mục tiêu của mô hình là thu hút ngày càng nhiều người tham gia, tăng tính tương tác chia sẻ, hình thành một cộng đồng gắn kết, lan tỏa lối sống tích cực, thân thiện. Do vậy, mô hình đã có sự điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với văn hóa, lối sống của cư dân xung quanh, từ đó thu hút ngày càng nhiều người dân đến với trạm”.
Hoạt động của mô hình hướng tới sự bền vững lâu dài. Muốn vậy, mô hình rất cần sự ủng hộ, đồng hành của người dân. Ban quản lý đã đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo để việc vận hành hiệu quả hơn, cùng với đó là việc kết nối với các đoàn thể địa phương như hội phụ nữ, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên… để thực hiện nhiều hoạt động xã hội.
Ý kiến ()