Trạm cứu hộ động vật phi lợi nhuận
Trong một con ngõ nhỏ ở đường Ngô Xuân Quảng, xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, Trạm cứu hộ động vật phi lợi nhuận là nơi hoạt động của các bạn sinh viên tình nguyện của Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp. Trong 7 năm qua, trạm cứu hộ động vật này đã cứu khoảng 2.000 con vật bị bệnh, bỏ rơi, ngược đãi,…
Tiền thân của trạm chỉ là một nhóm nhỏ các bạn sinh viên có chung tình yêu thương với động vật, sau đó chính thức được thành lập vào tháng 3-2016 dưới sự dẫn dắt của thầy Hoàng Minh-giảng viên của Học viện Nông nghiệp.
Mỗi “bệnh nhân” đến trạm được theo dõi và điều trị theo bệnh án. |
Trạm cứu hộ ban đầu chỉ là mảnh vườn bỏ hoang, sau đó được thầy giáo và các sinh viên cơi nới, xây dựng các gian như phòng khám lâm sàng để tiếp nhận thú, phòng trực, phòng khám-chữa bệnh, phòng cách ly cho động vật truyền nhiễm. Trạm hoạt động với quy mô như một bệnh viện thu nhỏ. Các sinh viên túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng cứu trợ cho động vật trong tình thế “hiểm nghèo”. Không chỉ thú cưng, đôi khi trạm còn nhận được các ca cứu hộ sóc, ngựa, lợn, thú hoang… Việc nhận được thông tin và cấp cứu trong đêm là hoàn toàn bình thường.
Các thành viên của đội cứu hộ đang chữa bệnh cho thú. |
Trung bình mỗi năm, trạm cứu hộ động vật phi lợi nhuận này tiếp nhận từ 300 đến 400 ca bệnh, vì thế các lồng thú đôi khi trong tình trạng quá tải. Để có khả năng duy trì thuốc thang, thức ăn cho động vật ở trạm, các thành viên của nhóm lập quỹ đóng góp tình nguyện hằng tháng. Sau này, nhờ tình yêu thương động vật được lan tỏa và được nhiều người biết đến, trạm nhận thêm những đóng góp, ủng hộ từ phía các nhà hảo tâm.
Trạm có diện tích nhỏ, chia làm các phòng chức năng riêng. Các bạn sinh viên đang dọn dẹp lại trạm để có thêm diện tích sẵn sàng đón các “bệnh nhân” mới. |
Trưởng trạm Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ: “Khi nhận thông tin cứu hộ động vật, đầu tiên các bạn hỏi thăm tình trạng của con vật (giống, chủng loại gì; có chủ hay vô chủ; thể trạng thế nào…). Tiếp đó chuẩn bị dụng cụ y tế cần thiết và đến tận nơi đón thú. Có những trường hợp cần cấp cứu, trạm sẽ sơ cứu rồi đưa chúng đến phòng khám thú y gần nhất. Cuối cùng là làm giấy tờ cứu hộ động vật”.
Nhiều chó, mèo đang được điều trị tại trạm. |
Theo Như Quỳnh, ngoài việc cứu hộ, công việc thường ngày của các thành viên trong trạm là dọn dẹp, vệ sinh chuồng, kiểm tra tiến trình phục hồi và điều trị y tế cho thú. Đối với những con vật đã phục hồi, tinh thần ổn định, trạm sẽ đăng bài tìm người nhận nuôi “các bé” ở trên các hội nhóm. “Để có thể nhận nuôi chó, mèo ở trạm, các bạn chủ mới cần có đủ điều kiện về không gian để cho “các bé” vui chơi và quan trọng nhất là cần có đủ tình yêu thương, trách nhiệm với chúng”, Như Quỳnh chia sẻ.
Khu để thuốc và các dụng cụ y tế của Trạm cứu hộ động vật. |
Khó khăn lớn nhất, theo Như Quỳnh, đó là thiếu kinh phí để chi trả thuốc men, thức ăn cho thú. Ngoài ra, các nhân viên của trạm thường xuyên bị chó mèo cào, cắn hay thức khuya dậy sớm để chăm sóc chúng.
“Để có thể cứu hộ động vật, yếu tố tiên quyết là cần có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc. Tại trạm, 100% thành viên đều là sinh viên các khóa tại Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp. Việc đồng hành cùng trạm cũng là cơ hội để các sinh viên tích lũy kinh nghiệm hành nghề trong tương lai”, nữ trưởng trạm chia sẻ.
Các thành viên phải theo dõi và thực hiện theo bảng phân công và ghi chú đặc biệt cho các ca bệnh. |
Các thành viên phải theo dõi và thực hiện theo bảng phân công và ghi chú đặc biệt cho các ca bệnh. |
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tram-cuu-ho-dong-vat-phi-loi-nhuan-728997
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()