Trầm cảm sau sinh - Nhận biết sớm để phòng ngừa hậu quả đau lòng
Dư luận chưa hết bàng hoàng về việc người mẹ ở Nam Định tự sát cùng 2 con khiến 2 trẻ tử vong, thì chiều 10/3, một phụ nữ mới sinh con 2 tháng đã nhảy từ tầng 7 Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ xuống tử vong. Trước đó, đã có nhiều vụ việc mẹ tự sát cùng con mà nguyên nhân bắt nguồn từ căn bệnh phụ nữ hay gặp phải là “trầm cảm sau sinh”.
Theo Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm, điều trị đúng mức, nhưng hiện nay có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Hậu quả đau xót
Vào đúng ngày 8/3, người dân ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) phát hiện chị V.T.L (SN 1991, trú tại xã Trực Thái, huyện Nghĩa Hưng) cùng 2 con trầm mình dưới sông Ninh Cơ. Theo kết quả điều tra ban đầu, L vốn là giáo viên tiểu học, nhưng khoảng tháng 9/2022, cô thấy áp lực trong công việc nên muốn nghỉ việc và nhiều lần có ý định tự tử. Cuối tháng 11 cùng năm, L nộp đơn xin thôi việc. Trong thời gian này, cô có biểu hiện không muốn tiếp xúc với mọi người trong gia đình, đồng nghiệp, vì vậy, chồng L đã đưa vợ đến Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khám. Tại đây, L được chẩn đoán bệnh “rối loạn thần cấp và nhất thời”.
Bác sĩ đề nghị L nhập viện để điều trị nhưng cô không đồng ý. Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị tại nhà và hẹn tái khám sau 10 ngày. Sau khi sử dụng đơn thuốc, bệnh tình có giảm dần, tuy nhiên cô vẫn không muốn tiếp xúc, nói chuyện với mọi người. Vào ngày 6/3, nữ giáo viên thường xuyên cảm thấy không có mục đích sống và có ý định tự tử. Cô luôn lo sợ, sau khi chết không có ai chăm sóc, dạy dỗ 2 con nhỏ (đều là bé gái, SN 2018 và 2021), dẫn đến hư hỏng, vướng vào các tệ nạn xã hội. Do đó, L đã nảy sinh ý định tự tử cùng 2 con.
Bi kịch đã xảy ra khi sáng 8/3, L đem theo 2 con gái đến bờ sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Sơn), chờ lúc vắng người qua lại, bế con ở hai bên sườn rồi đi xuống sông. Nhưng ra được một đoạn, khi nước ngập đầu cả 3 mẹ con một lúc thì sóng nước đẩy họ vào bờ. Khi người mẹ bế được 2 con lên bờ, thì các cháu đã tử vong.
Hai ngày sau, chiều 10/3, tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, người dân bàng hoàng phát hiện một phụ nữ rơi từ tầng 7 toà nhà chính xuống đất. Nạn nhân SN 1989, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo lãnh đạo bệnh viện, người phụ nữ này mới sinh con được khoảng 2 tháng, cách đây vài ngày, nạn nhân có đến Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ khám. Trước khi nhảy lầu, sản phụ đã ngồi rất lâu trên tầng 7 bệnh viện, sau đó để lại áo, điện thoại di động và nhảy xuống tự tử. Theo một số nguồn tin, nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Trước đó, đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng do căn bệnh trầm cảm sau sinh gây ra, đặc biệt là bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh đã tự sát cùng con. Theo ThS.BS Đặng Thị Thanh Tùng, Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, có khoảng 85% phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Hầu hết các biểu hiện trầm cảm sau sinh sẽ chỉ thoảng qua và tương đối nhẹ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lại bị dai dẳng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả mẹ và con.
Người thân trong gia đình phải đồng hành, chia sẻ
Theo Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, trầm cảm sau sinh ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Năm 2021, Viện tiếp nhận 27 sản phụ có biểu hiện rối loạn tâm thần sau sinh, nhiều ca có ý định tự sát. Tiếp nhận tư vấn tâm lý cho nhiều sản phụ mắc trầm cảm sau sinh, TS Vũ Thị Cầm, Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác). Có sản phụ sinh con lần thứ nhất bị trầm cảm, sinh con thứ hai tái phát bệnh, sinh đến con thứ ba cũng tiếp tục mắc trầm cảm. Có người trước đó có tiền sử trầm cảm, sau khi mang thai sinh con tái phát. Trầm cảm rất dễ tái phát, nếu không tuân thủ điều trị, bỏ dở điều trị thì lần tái phát sau nặng hơn lần trước.
Thực tế, có những phụ nữ trầm cảm sau sinh sẽ càng có biểu hiện nặng lên nếu thời điểm sau sinh gặp phải khó khăn về tài chính hay chăm sóc em bé, mâu thuẫn gia đình… Trầm cảm sau sinh có thể ở mức độ nhẹ, vừa, hoặc nặng, mức độ nguy hiểm nhất là tự sát, gây ra hậu quả đáng tiếc cho chính người mắc bệnh và gây tổn thương cho người thân, gia đình họ.
Vậy làm thế nào để ngăn ngừa được yếu tố tự sát? Theo các bác sĩ, quan trọng nhất là người thân phát hiện sản phụ có dấu hiệu trầm cảm để đưa đi thăm khám sớm và điều trị kịp thời. Biểu hiện dễ thấy nhất là trầm cảm xuất hiện ở sản phụ trong 3 tuần đầu sau sinh như: Buồn rầu, chán nản không biết lý do, luôn trong tình trạng vô vọng, trống rỗng; khóc thường xuyên, luôn cảm thấy sợ hãi; hay cáu kỉnh, mất ngủ, giảm khả năng tập trung, mất quan tâm thích thú; ăn ít, ngại tiếp xúc với mọi người; có ý định và hành vi tự sát, thậm chí giết chết con mình.
ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện E cho biết, do triệu chứng của trầm cảm gây ra cho người bệnh quá mệt mỏi và nhiều trường hợp dẫn đến hành vi tự sát, họ có những kế hoạch tự sát (tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát), họ chỉ cần có thời điểm hoặc dấu hiệu nào đó là sẽ tự sát. Nhưng, phần lớn những trường hợp tự sát ngăn chặn được nếu như nhận diện và can thiệp kịp thời. “Người thân trong gia đình rất quan trọng. Bác sĩ khám cho người bệnh, đồng thời cũng phải tư vấn cho người thân đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình điều trị, như phải theo dõi họ uống thuốc đúng giờ, theo dõi tác dụng phụ của thuốc, trông con giúp người bệnh buổi đêm…
Gia đình sẽ theo dõi những dấu hiệu, triệu chứng nặng của người bệnh như: Lời nói thoảng qua hay kế hoạch của việc tự sát; việc tự làm hại bản thân; từ chối điều trị bằng bỏ thuốc, giả vờ uống thuốc, thấy rõ dấu hiệu ý định tự sát để ngăn chặn. Đặc biệt, người thân phải luôn theo sát người bệnh khi nhận thấy họ có biểu hiện khác thường, nghi ngờ. Với các triệu chứng trên, cần thông báo và phối hợp với bác sĩ để can thiệp kịp thời”, BS Nguyễn Viết Chung nói.
Để không còn những vụ việc đau lòng nêu trên, các bác sĩ cho biết, quan trọng nhất là người bệnh phải được phát hiện trầm cảm sớm và điều trị sớm. Nhưng đáng tiếc, hiện nay còn khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Điều này rất khó để can thiệp, hỗ trợ cho sản phụ không rơi vào bệnh cảnh nặng nề hơn, dẫn tới việc họ có ý nghĩ tự sát hoặc thực hiện hành vi tự sát cả mẹ lẫn con. Và để phòng ngừa căn bệnh trầm cảm sau sinh, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, gia đình, nhất là người chồng hãy đồng hành cùng vợ, dành thời gian quan tâm, chăm sóc phụ nữ sau sinh; lắng nghe, cảm thông, san sẻ việc chăm con với vợ, tạo điều kiện cho vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý.
Nguồn:https://cand.com.vn/y-te/tram-cam-sau-sinh-nhan-biet-som-de-phong-ngua-hau-qua-dau-long-i686408/
Ý kiến ()