“Trải thảm đỏ” thu hút đầu tư cho nông nghiệp
Cũng như trong công nghiệp, để phát triển nông nghiệp, đã đến lúc Nhà nước cần “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư nông nghiệp, tháo bỏ hạn điền để tạo cơ chế đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - hội năm 2016 ngày 2-11.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn luôn yếu thế
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, ngành nông nghiệp, nơi tập trung tới 60% lao động vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Nông nghiệp nông dân nông thôn vẫn đang là những bộ phận yếu thế, chịu rất nhiều áp lực thiệt thòi trước những tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Đại biểu Thúy đề xuất ba giải pháp: tiếp tục tập trung đầu tư cao hơn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch quản lý thực hiện quy hoạch sản xuất tiêu thụ hàng nông sản tại thị trường trong nước, và tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ), trong khi chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì thực tế cho thấy tình hình sản xuất nông nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm luôn gặp khó khăn, thị trường xuất khẩu nông sản giảm về số lượng và giá trị.
Cũng theo đại biểu này, hiện nay, nhiều địa phương chưa có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, việc tổ chức lại sản xuất, cũng như kinh phí đầu tư cho ngành nông nghiệp chưa có gì thay đổi. Sản phẩm thương hiệu hàng nông sản mới đang trong quá trình nghiên cứu. Đại biểu Tiếp đề nghị Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn, thường xuyên kiểm tra, uốn nắn để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả cao nhất.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, vừa qua chúng ta đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhưng đầu tư còn rất dàn trải, manh mún và nhỏ lẻ, đặc biệt, đầu tư cho người nông dân trồng lúa còn rất thấp.
Theo đại biểu Duyền, chúng ta có rất nhiều giống lúa, một xã, một thôn cũng trồng rất nhiều giống lúa. Nhưng chưa có một giống lúa chất lượng cao thương hiệu của Việt Nam.
Ngoài ra, đại biểu Duyền cho rằng, cần phải quan tâm đến đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta mới chỉ quan tâm đào tạo nghề thủ công hoặc đào tạo cho người nông dân vào các nhà máy, xí nghiệp, mà chưa quan tâm đến đào tạo nghề cho người nông dân trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Cần cơ chế chính sách đủ mạnh cho nông nghiệp phát triển
Về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa hấp dẫn. Do vậy, thực trạng hiện nay là số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, khoảng trên 1%, với một số địa bàn miền núi, vùng khó khăn hầu như chưa có doanh nghiệp nào.
Vì vậy, đại biểu này đề nghị, đi đôi với đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh nỗi lo hội nhập quốc tế, Chính phủ cần rà soát, bổ sung để có cơ chế chính sách đủ mạnh, thu hút doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là về thuế, cấp đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phân tích, hạn chế của nông nghiệp nước ta đã bộc lộ khá rõ từ nhiều năm qua, đó không chỉ là vấn nạn được mùa mất giá, mà hạn chế lớn nhất là năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp Việt Nam rất yếu kém. Nguyên nhân do chúng ta đã duy trì lâu và quá nhấn mạnh vai trò hộ gia đình nông dân như một chủ thể của sản xuất nông nghiệp. Xu thế tất yếu của kinh tế nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi cần có thêm những hình thức tổ chức sản xuất mới.
“Việt Nam rõ ràng đang cần nhiều nhà đầu tư nông nghiệp. Tại sao ta không trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp, như đã từng làm khá thành công trong kêu gọi đầu tư vào công nghiệp?”. đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi.
Muốn thực hiện điều này, theo đại biểu Đáng, trước hết cần có đột phá trong chính sách đất đai, nhất là vấn đề hạn điền. Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới sẽ đưa ra chính sách phù hợp để tích tụ tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ công nghệ cao. “Tôi tin rằng đây là luồng gió mới làm thay đổi căn bản cơ cấu nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất lớn”, đại biểu nói.
Theo ông, những hộ kinh tế nông nghiệp mới, cùng các hợp tác xã kiểu mới và các công ty nông nghiệp kỹ thuật cao sẽ là những thành phần chính trong cơ cấu nền nông nghiệp phi tiểu nông Việt Nam tương lai.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()