“Trái ngọt” từ EVFTA
Là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ví như “con đường cao tốc” quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU.
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10. (Ảnh: QUỲNH CHI) |
Ðây cũng là FTA thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao thứ hai mà Việt Nam ký với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và cam kết cao hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam. Vì vậy, EVFTA được đánh giá mang lại những tác động đáng kể và tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Ðến nay, EVFTA đã có hiệu lực hơn hai năm, phần lớn các cam kết của hiệp định như thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, mua sắm công và cam kết quy tắc trong nhiều lĩnh vực,… đều đã được triển khai, bước đầu đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.
Theo báo cáo từ Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng bình quân 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong sáu tháng năm 2022.
Từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng bình quân 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như: Sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%,… Một điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU là không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như mây tre đan, cói, thảm (tăng hơn 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng hơn 25%); nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện (tăng hơn 15%).
Bên cạnh đó, EVFTA cũng là FTA được các doanh nghiệp biết đến nhiều nhất với khoảng 94% số doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau. Ðồng thời, đây cũng là FTA có tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ cao nhất, tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội khi có tới 41% số doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Trong đó, lợi ích phổ biến là ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.
Thị phần hàng Việt Nam mới chiếm 1% số hàng nhập khẩu của EU. Ngoài ra, vẫn còn gần 60% số doanh nghiệp chưa từng được hưởng lợi từ EVFTA.
Tuy đã đạt được những thành quả tích cực, song xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn còn “bỏ trống” khá nhiều dư địa, thị phần hàng Việt Nam mới chiếm 1% số hàng nhập khẩu của EU. Ngoài ra, vẫn còn gần 60% số doanh nghiệp chưa từng được hưởng lợi từ EVFTA với các lý do phổ biến như: Chưa có giao dịch nào với đối tác EU; không biết lợi ích cụ thể nào của hiệp định để tận dụng,… Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thực thi EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin các cam kết để có hành động thích hợp; tránh lạc quan thái quá hoặc kỳ vọng không căn cứ, dẫn tới rủi ro trong quá trình hội nhập.
Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu khắt khe của thị trường EU. Ðể thực thi hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp cũng rất mong mỏi sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ thông qua những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến cáo phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chớp thời cơ, cơ hội từ EVFTA.
Ý kiến ()