Trải nghiệm trọn vẹn du lịch Việt Nam
Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn diễn ra ngày 22/3 tại Quảng Ninh đánh dấu việc mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cũng như việc hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng điểm đến, sản phẩm thích ứng, phù hợp với khách du lịch quốc tế và nội địa.
Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, sở du lịch, hiệp hội du lịch; các chuyên gia cùng đại diện tập đoàn, doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thảo luận giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp để đưa du lịch Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới.
Để nắm bắt thời cơ, tạo ra bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, ngành du lịch rất cần sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể người dân.
Hội nghị cũng đã lắng nghe các chuyên gia, các địa phương trọng điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không chia sẻ ý kiến và đề xuất góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; bảo nguồn lực, triển khai đa dạng các mô hình, kênh bán hàng cho du khách; tăng cường kết nối hàng không, khôi phục đường bay quốc tế, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp; xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch; liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không, điểm đến; bảo đảm an toàn phòng chống dịch, thích ứng an toàn, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là dấu mốc hết sức quan trọng của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là hoạt động mở cửa giao thương với quốc tế sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch.
Về bối cảnh mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất Chính phủ việc mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đến thời điểm này, đây là thời điểm vàng cho du lịch Việt Nam mở cửa lại.
Việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao du lịch Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.
Ông Nguyễn Trùng Khánh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai chương trình, quan tâm các doanh nghiệp, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động đón khách an toàn, cập nhật, phổ biến, quán triệt các quy định phòng dịch.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cũng cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa cho thấy đây là thời điểm vàng để mở cửa lại du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Tường Văn cho biết, cũng như nhiều địa phương du lịch trọng điểm trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ điều kiện, tiềm năng, lợi thế, liên kết phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt phát triển du lịch. Quảng Ninh được ví như Việt Nam thu nhỏ, rất giàu tiềm năng du lịch đặc sắc, phong phú với nhiều cảnh quan, với 2077 hòn đảo lớn nhỏ. Quảng Ninh có nhiều cơ sở du lịch nổi tiếng trên bộ, trên biển, có cửa ngõ giao thương với Trung Quốc; có 632 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, rừng, núi, đặc biệt có vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO vinh ghi nhận sản Thiên nhiên Thế giới và được vinh danh Kỳ quan thiên nhiên Thế giới.
Với các giải pháp đồng bộ, chuyển đổi từ nâu sang xanh theo hướng phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển thành công “mục tiêu kép” trên mọi lĩnh vực.
Phát động chính thức mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp tổ chức lại các hoạt động du lịch thống nhất quy trình đón và phục vụ khách bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, có phương án xử lý sự cố y tế phát sinh liên quan theo phương án 892 đã được ban hành.
Thông báo cho khách du lịch biết và thực hiện quy định các yêu cầu khi du lịch tại Việt Nam, bảo đảm du lịch an toàn.
Chủ động kiểm tra, ra soát chất lượng, cải thiện nâng cấp cơ sở vật chất chất, kỹ thuật và dịch vụ, tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Chủ động phối hợp liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, có chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Chủ động chuyển đổi số, ứng dụng du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông trong xúc tiến, quảng bá nâng cao năng lực tiếp cận khai thác công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch.
Ý kiến ()