Trái cây nhiệt đới tăng cơ hội cho các nước đang phát triển
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 9/11 công bố báo cáo cho thấy trong thương mại quốc tế, các loại trái cây nhiệt đới ngày càng được yêu cầu nhiều hơn.
Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng lương thực”, lượng nhập khẩu xoài, dứa, bơ và đu đủ đã đạt tổng giá trị 10 tỷ USD vào năm 2017. Tổng sản lượng của 4 loại trái cây nhiệt đới có thể đạt 92 triệu tấn vào năm nay, tăng mạnh từ 69 triệu tấn trong năm 2008.
Sự phổ biến đầy hứa hẹn của các loại trái cây nhiệt đới này góp phần vào quá trình phát triển nông thôn và giảm nghèo, khi hầu hết các loại trái cây này đều được trồng ở các nước đang phát triển, thường do những người nông dân canh tác nhỏ trên diện tích dưới 5 ha.
Hiện tại, 95% sản lượng các loại trái cây này được tiêu thụ tại địa phương, nhưng sự gia tăng thu nhập và thay đổi sở thích của người tiêu dùng có thể sẽ thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt nếu việc tiếp cận thị trường được tạo thuận lợi, tự do hơn và do đó khuyến khích những tiến bộ về công nghệ trong phân phối.
FAO cho biết: Ấn Độ, sản xuất khoảng 40% sản lượng xoài; Costa Rica, cung cấp một lượng lớn dứa; Trung Quốc, Brazil và Mexico, các nước xuất khẩu chính, là những nước trồng trái cây nhiệt đới chính trên thế giới.
Báo cáo về “Triển vọng lương thực” mới nhất của FAO cũng ghi nhận rằng sắn là một trong những cây trồng chủ lực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Sau gạo và ngô, sắn là một trong những nguồn cung cấp lượng calo nhiều nhất ở vùng nhiệt đới. Năm nay, sản lượng sắn tại khu vực châu Phi Sahara có thể đạt mức 156 triệu tấn, nhờ vào nhiều chương trình mở rộng thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Tuy nhiên, sản lượng sắn thế giới dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2017, xuống còn 278 triệu tấn, sau hai thập kỷ tăng liên tục. Theo FAO, sản lượng suy giảm là do hạn hán, giá thấp hơn và những biến đổi chính trị.
Ở quy mô toàn cầu, báo cáo về “Triển vọng lương thực” mới nhất của FAO nhấn mạnh rằng chi phí thực phẩm nhập khẩu vào năm 2017 dự kiến sẽ tăng 6% so với năm trước, đạt mức 1.413 nghìn tỷ USD. Đây là một con số kỷ lục, trong khi giá lương thực vẫn ổn định. Điều này được giải thích bởi sự gia tăng nhu cầu về lương thực và giá cước vận chuyển quốc tế.
Được công bố hai lần một năm, báo cáo về “Triển vọng lương thực” của FAO đưa ra đánh giá về tình hình thị trường của các mặt hàng lương thực chủ yếu, bao gồm sắn, gia súc, sản phẩm sữa, cá, dầu thực vật và các loại ngũ cốc chủ yếu./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()