Trách nhiệm xã hội của nhà báo thời đại thông tin
LSO- Phát triển khoa học công nghệ đã khiến xã hội trở thành một xã hội truyền thông. Từng phút, từng giờ, thông tin truyền thông luôn đầy ắp, đa chiều, vì vậy rất cần nhà báo thông tin chính xác mang tính định hướng dư luận. Đấy chính là trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn tác nghiệp
Chỉ cần một thông tin rất nhỏ khi được chia sẻ trên các mạng xã hội, qua thông tin truyền miệng, qua văn bản… thì chỉ vài phút sau đã có hàng triệu người biết đến. Thông tin truyền thông đã thực sự trở thành một thứ “quyền lực mềm” tác động đến mỗi cá nhân, cộng đồng. Đã có những thông tin khiến người tiếp nhận bức xúc tới mức phải quyên sinh, có thông tin gây phẫn nộ trở thành một làn sóng và cũng có những thông tin gây xúc động hàng triệu trái tim.
Thế nhưng, thông tin trong xã hội luôn là mã nguồn mở. Từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận qua một dải nhiễu rất dài. Dải nhiễu ấy có thể biến cái tốt thành cái xấu, cái tốt bị hiểu sai lệch và thậm chí có những cái xấu lại được đám đông hưởng ứng. Tác động tích cực hay tiêu cực phần nhiều cũng ở đó mà ra. Vậy, với chức năng định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội, trách nhiệm xã hội của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu.
Trở lại sự kiện cá chết ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, khi chưa có đủ thông tin, dư luận trong nước và quốc tế cho đấy là do xả thải. Vậy là dấy lên một làn sóng đấu tranh vì môi trường. Trong đấu tranh có nhiều đối tượng lợi dụng dân chủ, đặc biệt là tổ chức Việt Tân hải ngoại đã công khai dùng chủ trương bạo động. Những cuộc biểu tình thu hút rất đông người tham gia. Thế nhưng, sau càng nhiều thông tin đa chiều, khoa học tìm ra hiện tượng cá chết là do thủy triều đỏ, bộ mặt của Việt Tân dần lộ rõ. Thông tin tích cực cân bằng với thông tin tiêu cực trong xã hội khiến nhiều người không biết đâu mà lần. Lúc này nhu cầu thông tin cần nhất là độ xác thực, đủ tạo nên sức mạnh và rất nhiều nhà báo đã vào cuộc định hướng dư luận. Cũng rất hợp quy luật, khi no thông tin (cả tốt xấu) thì nhu cầu là cần thông tin đúng, định hướng. Trong vụ cá chết, nhà báo tiến bộ đã làm rất tốt bổn phận của mình.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo được thể hiện khá rõ trong sự kiện này. Vậy trách nhiệm xã hội là gì? Trước khi làm nhà báo, người làm báo phải là công dân, đã là công dân đương nhiên phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy ước ràng buộc của xã hội, của các yếu tố văn hóa, đạo đức. Khi nhà báo ý thức được đưa thông tin phải đúng, hợp lòng dân để duy trì xã hội ổn định, dân được hưởng an toàn, an ninh thì mình mới được hưởng an toàn an ninh.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo còn thể hiện ở việc đưa thông tin đúng. Chỉ đưa thông tin đúng thì đã lột tả bản chất sự việc. Những thông tin ấy sẽ được tin cậy. Thực tế trong làng báo đã tạo ra rất nhiều cây bút quyền lực, bởi họ đã đưa thông tin là đưa đúng sự thật, đúng bản chất vấn đề. Khi tiếp nhận những thông tin ấy quần chúng tin ngay. Như vậy, khi phản bác, khi cần đưa ra định hướng chắc chắn sẽ hút được sự tin theo của độc giả. Ngày nay trên mạng xã hội tồn tại rất nhiều thông tin đa chiều, nhưng có khi chỉ cần một dòng like của một tờ báo, của một nhà báo trung thực sẽ đánh bạt đi tất cả mọi thông tin đám đông.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo thể hiện một phần ở nhà báo phải tinh thông nghiệp vụ. Đây chính là mức độ ứng xử với thông tin. Có những thông tin dù đúng nhưng đưa sẽ bất lợi bởi sẽ mang tính kích động hơn là cung cấp thông tin đơn thuần. Có những thông tin đưa về các vụ bạo lực học đường nếu chỉ dừng ở mức độ định hướng, lên án thì tích cực sẽ cao, nhưng nhiều nhà báo khai thác chi tiết, đưa tần suất lớn, mô tả các vụ bạo lực ở cả trẻ vị thành niên. Như vậy sẽ dẫn đến phản tác dụng, bởi người ta sẽ hiểu những vụ bạo lực như thế là bình thường trong cuộc sống.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo luôn độc lập, đồng hành với nhiều cơ quan, ngành nghề khác nhau trong xã hội để ổn định và phát triển xã hội, vì vậy cần phải lựa chọn thời điểm đưa tin, bình giá đúng với tính chất duy trì trật tự xã hội. Thông thường nhanh, sớm sẽ dễ tác động vào công chúng, vì vậy với các nhà báo chuyên nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội phải nhanh và nhạy. Thường cụm từ: nhanh, đúng, trúng, hay với báo chí luôn đi cùng nhau tạo nên tính hấp dẫn của báo chí. Tuy nhiên, cái khó ở đây là nhanh thường chưa có kiểm chứng dẫn đến sai. Vì vậy, đề cao trách nhiệm xã hội của nhà báo cũng một phần là để nhà báo tự hoàn thiện mình, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội.
Một phần trách nhiệm xã hội của nhà báo chính là tính liên kết, chia sẻ trong thông tin. Hiện báo chí của Đảng trong hệ thống báo chí Việt Nam vẫn là các tờ báo đáng tin cậy hơn cả. Sự liên kết chia sẻ sẽ tạo thành sức mạnh khi đưa thông tin tạo nên dòng thời sự chủ lưu, điều đó cũng thể hiện trách nhiệm xã hội lớn nhất.
Báo chí ngày nay, mỗi nhà báo chân chính luôn có một sức nặng trong định hướng dư luận. Trách nhiệm ấy thể hiện bằng chính thông tin, định hướng dư luận mà Đảng, dân đã trao cho báo chí một quyền lực mềm để phục vụ chính Đảng và dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()