Trách nhiệm thuộc về các cơ sở khám chữa bệnh
LSO-Đến hết 31/8/2017, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đã chi hết 331,7 tỷ đồng, chiếm 83% tổng quỹ KCBBHYT cả năm, vượt định mức 113 tỷ đồng.
Bệnh nhân BHYT điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Thực trạng sử dụng quỹ
Trong đó gia tăng do các nguyên nhân khách quan (giá viện phí mới, thông tuyến, nâng hạng bệnh viện…) chiếm trên 80 tỷ đồng; còn lại trên 30 tỷ đồng là do nguyên nhân chủ quan tại các cơ sở KCB.
Trước tình hình đó, ngành BHXH đã tiến hành giám định chứng từ trong 6 tháng đầu năm 2017 của 16/23 cơ sở KCB và đã tạm thời từ chối thanh toán số tiền trên 22 tỷ đồng, chiếm 73% tổng số gia tăng do nguyên nhân chủ quan từ các bệnh viện. Trong đó, cao nhất là Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn 4,1 tỷ đồng, Tràng Định 2,1 tỷ đồng, Bình Gia 1,8 tỷ đồng… nhiều đơn vị bị từ chối thanh toán với mức trên 1 tỷ đồng như: Trung tâm Y tế các huyện: Lộc Bình, Văn Quan, Văn Lãng, Bệnh viện Y học cổ truyền. Những khoản bị từ chối thanh toán bao gồm chi phí tiền giường bệnh do các cơ sở KCB gia tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú để được thanh toán giường bệnh; chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật và một số thuốc bổ trợ; chi phí vượt quỹ đối với tuyến xã; lập chứng từ đề nghị thanh toán, bảng kê thanh toán không đúng quy định…
Tổng hợp 11.557 lượt bệnh nhân tại 10 trung tâm y tế huyện có mức chi phí thuốc dưới 200 ngàn đồng/đợt cho thấy: tiền thuốc chỉ chiếm 7,7%, tiền giường chiếm tới 57,4%; tiền xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm 20,6%. Theo mức tính hiện nay, bình quân tiền thuốc chiếm tới 48% chi phí KCB, theo cơ quan BHXH là rất bất hợp lý. Ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc BHXH nói rằng: “Những quy định về chuyên môn chắc chắn các y bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện phải biết và thực hiện. Song những biểu hiện trên chính là lợi dụng chuyên môn để trục lợi quỹ BHYT…”
Lãnh đạo các cơ sở y tế nói gì
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Lộc Bình nói rằng: những chi phí không hợp lý tại tuyến xã được BHXH chỉ ra (một người lĩnh thuốc nhiều lần trong tháng, ký thay, lĩnh hộ…) Trung tâm thừa nhận và sẽ chấn chỉnh kịp thời. Nhưng những chi phí như tiết kiệm chi vật tư tiêu hao (găng tay y tế, parafin…) cần được ngành BHXH xem xét. Lý giải về tiền giường chiếm tỷ trọng lớn, bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Gia cho rằng đó là thực tế. Ví dụ như người bị tai nạn gãy tay, tiền thuốc không đáng bao nhiêu nhưng thời gian điều trị nội trú dài và cần các chỉ định về dịch vụ kỹ thuật (trước và sau phẫu thuật). Nói về số tiền bị xem xét xuất toán 6 tháng đầu năm cao nhất trong 10 huyện, bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn than phiền: Bệnh viện mới nâng hạng, hút bệnh nhân vào KCB nhiều, số điều trị nội trú lớn. Thật “không may” cho trung tâm là khi BHXH vào kiểm tra thực tế, nhiều bệnh nhân nội trú đã “rời” giường bệnh để ra thị trấn mua sắm chút đỉnh. Thấy không có bệnh nhân tại giường, lập tức cán bộ cơ quan BHXH không thừa nhận.
Trước nguy cơ bị từ chối thanh toán những khoản chi lớn, các cơ sở y tế đều có những giải trình. Những giải trình ấy nghe ra cũng rất thực tế, song nó cũng bộc lộ việc buông lỏng kiểm soát chi ở các bệnh viện. Bằng chứng là khi BHYT vào cuộc thẩm định, kiểm tra, chấn chỉnh, mức chi hàng tháng có xu hướng giảm dần (tổng chi từ 50 tỷ tháng 5/2017, xuống còn 41,5 tỷ vào tháng 7 và 44,5 tỷ vào tháng 8/2017). Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, trước kiểm tra có khoảng 160 bệnh nhân có chi phí bình quân một đợt điều trị cao trên 12 triệu đồng; sau kiểm tra, chi phí bình quân, nhất là số người có chi phí bình quân cao giảm nhanh.
Việc đã qua mà hậu quả vẫn còn ở lại, từ tháng 9 đến hết tháng 12/2017, bắt buộc các cơ sở KCB phải tính toán, trước hết là “cắt” bớt chi phí KCB, chi phí chi thường xuyên và như vậy thiệt thòi trước hết thuộc về người bệnh, sau đó là ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan.
MINH HỒNG
Ý kiến ()