Trách nhiệm bảo vệ đại dương
Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia và cũng nằm trong chương trình nghị sự của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương. Trong bối cảnh “sức khỏe” của các đại dương ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, nỗ lực này càng cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
Bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất, đại dương đóng vai trò thiết yếu đối với tự nhiên và đời sống con người. Như là “lá phổi” của hành tinh, đại dương là nguồn cung cấp phần lớn ô-xi cho bầu khí quyển. Hấp thụ hầu hết lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu, đại dương góp phần “làm dịu” tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhiều hoạt động, lĩnh vực từ thủy sản đến du lịch, vận tải quốc tế, đều phụ thuộc vào các đại dương.
Giữ vai trò quan trọng như vậy, song đại dương lại phải chịu hậu quả nặng nề do tình trạng ô nhiễm rác thải hay các hoạt động du lịch, vận tải biển không bền vững. Đánh bắt cá bất hợp pháp và không được kiểm soát gây cạn kiệt tài nguyên, phá hủy hệ sinh thái. Đại dương cũng phải chịu gánh nặng từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như hiện tượng tẩy trắng san hô, nhiệt độ ấm lên và mực nước biển dâng cao.
Theo cơ quan khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương tháng 3 vừa qua “xô đổ” mức cao kỷ lục được ghi nhận hồi tháng 2.
Các đại dương đang “ngạt thở” khi nhiệt độ thường xuyên ở mức cao kỷ lục. Đó là lời cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay, tại hội nghị về bảo vệ đại dương diễn ra ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Bà Azoulay cho biết đã có nhiều biện pháp được triển khai nhằm bảo vệ đại dương, song vẫn còn nhiều việc phải làm và điều này có thể thực hiện được. Do đó, bà Azoulay kêu gọi các quốc gia tiếp tục đầu tư vào khoa học nhằm thúc đẩy nỗ lực chung, dù bối cảnh quốc tế hiện nay phức tạp.
Hội nghị Đại dương của chúng ta lần thứ 9 diễn ra mới đây ở thủ đô Athens của Hy Lạp đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ 130 quốc gia và tổ chức, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với trách nhiệm bảo vệ đại dương. Tại Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Kyriakos Mitsotakis bày tỏ lo ngại khi đại dương đang phát đi những “tín hiệu đau thương”. Cho rằng các biện pháp giảm tác động tiêu cực đối với đại dương là chưa đủ, ông Mitsotakis kêu gọi các quốc gia tập trung vào nỗ lực bảo vệ và phục hồi.
Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp George Gerapetritis cũng kêu gọi các quốc gia đưa ra sáng kiến cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, như ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng các khu bảo tồn biển, thúc đẩy ngành đánh bắt thủy, hải sản bền vững và phát triển nền kinh tế xanh, bảo đảm an toàn hàng hải và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Hội nghị Đại dương của chúng ta lần này khép lại với thành quả là huy động được gần 500 cam kết trị giá khoảng 10,8 tỷ euro. Trong đó, EU đưa ra 40 cam kết trị giá khoảng 3,5 tỷ euro dành cho một loạt sáng kiến về chống ô nhiễm môi trường biển, hỗ trợ nghề cá bền vững và đầu tư vào nền kinh tế xanh. Đây là khoản cam kết lớn nhất từng được EU công bố kể từ khi hội nghị này diễn ra lần đầu vào năm 2014. Sở hữu đường bờ biển dài và hàng nghìn hòn đảo, nước chủ nhà Hy Lạp đang thúc đẩy 21 sáng kiến với ngân sách 780 triệu euro nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và giải quyết tình trạng ô nhiễm bờ biển. Trước hội nghị này, Hy Lạp tuyên bố thành lập hai công viên quốc gia nhằm bảo vệ các loài chim biển, động vật có vú và rùa biển.
Nhân hội nghị ở Hy Lạp, EU và 13 quốc gia kêu gọi các bên tham gia phê chuẩn Hiệp ước về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp ước về Biển cả. Đã được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2023 sau nhiều năm đàm phán, song hiệp ước này chỉ chính thức có hiệu lực sau khi được 60 nước phê chuẩn. Dù hiệp ước đến nay được gần 90 nước ký kết, song số quốc gia đã phê chuẩn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tăng tốc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và nguồn tài nguyên biển, việc thúc đẩy hiệp ước có hiệu lực càng trở nên cấp thiết. Cao ủy EU về môi trường, đại dương và nghề cá Virginijus Sinkevicius khẳng định, bảo vệ đại dương chính là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.
Ý kiến ()