Trà Vinh: Tập trung đầu tư, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc Khmer
Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người, trong đó, bà con dân tộc Khmer chiếm hơn 30%. Đây là tỉnh có tỷ lệ người Khmer cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung tại 5 huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè và Tiểu Cần. Trà Vinh hiện có 50 xã trong tổng số trên 100 xã, phường, thị trấn của tỉnh có người dân tộc Khmer.
Bà con nông dân Khmer chuyển đổi giống cây trồng phù hợp |
Từ nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực người Khmer đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trà Vinh ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp bà con dân tộc Khmer phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, như: Xây dựng trường học, trạm y tế; đưa điện lưới về các vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn bà con nông dân Khmer áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo trong cộng đồng dân cư. Dự án cấp điện cho hơn 20 nghìn dân ở nông thôn vùng sâu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, là một trong những chương trình được Trung ương và tỉnh Trà Vinh đầu tư đang từng ngày phát huy hiệu quả, làm thay đổi đáng kể diện mạo các phum, sóc của tỉnh. Những hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã và đang khởi sắc, không còn hộ đói, giảm dần hộ nghèo.
Ngoài những chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân Khmer, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cấp cơ sở, các lớp tập huấn về công tác dân tộc, tôn giáo, dân vận, công tác quản lý Chương trình 135, công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… đang tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức của người Khmer ở Trà Vinh. Tập quán làm lúa bấp bênh một vụ đã được thay bằng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều cánh đồng đã sản xuất 2 – 3 vụ/năm. Người Khmer ở nhiều phum, sóc đã biết khai thác lợi thế địa phương để nuôi bò sinh sản, tăng gia sản xuất, phát triển mô hình trồng nấm rơm hiệu quả. Nhiều diện tích đất nông nghiệp sau khi chuyển dịch cơ cấu đã cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho văn hóa, xã hội phát triển. Công tác giáo dục vùng có đông người Khmer sinh sống được quan tâm thích đáng. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh được mở rộng. Tỉnh đã xây dựng thêm nhiều cơ sở giáo dục nội trú ở các huyện. Con em bà con Khmer được học hai ngôn ngữ Việt – Khmer. Các chính sách phụ cấp, học bổng được hỗ trợ kịp thời, giúp nhiều học sinh, sinh viên người Khmer có điều kiện học lên trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Trà Vinh đã có hàng nghìn sinh viên người Khmer đã và đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.
…và tiếp cận với công nghệ hiện đại (Ảnh: K.V) |
Theo ông Trần Minh Thái – Trưởng phòng Dân tộc (Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Trà Vinh), đến nay, việc học của con em bà con dân tộc Khmer đã ngang bằng, thậm chí một số tiêu chí còn cao hơn so với cộng đồng trong khu vực. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 61.895 học sinh người Khmer, chiếm 31,85% số học sinh toàn tỉnh. Việc dạy chữ Khmer được chú trọng. Có 94 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở tổ chức dạy song ngữ tiếng Khmer cho gần 15 nghìn học sinh. Trong số này, có hơn 9 nghìn em tiếp tục theo học chữ Khmer tại các điểm chùa trong những tháng hè để nâng cao trình độ ngữ văn Khmer.
Ở Trà Vinh, nhiều huyện, xã có đông người Khmer sinh sống đã có những giải pháp nhằm củng cố, phát triển tổ chức đảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao mức sống, mở mang trình độ dân trí cho người dân.
Ở huyện Trà Cú, bà con dân tộc Khmer chiếm gần 62%. Những năm gần đây, số lượng đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số ở huyện ngày càng nhiều, tăng từ 48,75% (năm 2012) lên 52,34% (năm 2014). Ðến nay, tỷ lệ đảng viên là người Khmer chiếm gần 43% tổng số đảng viên trong huyện. Trước đây, Trà Cú là vùng khó khăn, thiếu cán bộ người dân tộc Khmer đủ trình độ, năng lực, nhưng hiện nay, do được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nên số cán bộ là người Khmer đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tân Hiệp là 1 xã thuộc huyện Trà Cú, có trên 83% dân số là người dân tộc Khmer. Những năm gần đây, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từng bước phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 15 triệu đồng/người/năm. Năm 2015, xã Tân Hiệp đặt mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 19 triệu đồng/người/năm. Từ nay đến cuối năm, xã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; từng bước tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Huyện Cầu Kè, với đặc thù có trên 31% đồng bào Khmer, sinh sống tập trung tại 9/11 xã, thị trấn, trong đó có 2 xã nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ là Châu Điền và Phong Phú. Trong phát triển kinh tế, Cầu Kè đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp và chính sách, như: Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã giải quyết được nhu cầu giao thông và giao lưu hàng hóa. Các công trình hệ thống thủy lợi tưới tiêu ngày càng hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ cho trên 95% diện tích gieo trồng từ 2 đến 3 vụ sản xuất. Huyện xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, mở rộng các mô hình sản xuất luân canh lúa – màu xuống chân ruộng, mô hình cánh đồng theo công nghệ sinh thái đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, huyện đã có hàng trăm hộ Khmer thoát nghèo và vươn lên khá, giàu.
Có thể khẳng định, trình độ, nhận thức của bà con dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngày càng đã được nâng lên rõ rệt. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng, tạo thuận lợi hơn cho việc tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer. Ðội ngũ cán bộ người Khmer được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, đề bạt và bố trí giữ vị trí quan trọng cấp tỉnh ngày càng nhiều. Tỉnh ủy Trà Vinh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ đảng viên người Khmer chiếm 20% tổng số đảng viên toàn tỉnh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()