Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011-2015 đã nhận định: nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer phát triển nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu kinh tế cao, nhất là đưa cây màu xuống chân ruộng. Công tác khuyến nông, khuyến ngư được tăng cường đến cơ sở, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng; năng suất lúa trung bình từ 4,97 tấn/ha năm 2010 lên 5,7 tấn/ha năm 2015.
Đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 175 mô hình, dự án phát triển sản xuất như: hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng cho hơn 4.300 hộ nghèo có vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng màu; hỗ trợ 86 tỷ đồng cho hơn 7.100 hộ để có đất ở, chuộc lại đất sản xuất, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ hơn 63 tỷ đồng trực tiếp cho 703.838 lượt người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt để tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, động viên hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, khắc phục tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong phát triển kinh tế – xã hội, từng bước vươn lên khá, giàu, nhiều hộ đồng bào Khmer mua sắm được tư liệu sản xuất, phương tiện sinh hoạt gia đình, xây cất nhà khang trang, bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào ngày càng khởi sắc.
Chủ tịch xã Long Hiệp, huyện Trà Cú cho biết, về hỗ trợ đồng bào Khmer ngoài chính sách của trung ương, xã luôn quan tâm tìm đầu mối tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào an tâm sản xuất, đồng thời tránh được tình trạng được mùa mất giá, bị tư thương ép giá. Chẳng hạn như Công ty Giống cây trồng miền Nam hằng năm hợp đồng trồng hàng trăm ha bắp giống với các hộ đồng bào dân tộc. Bởi ký được hợp đồng trồng bắp giống, người trồng được công ty đầu tư giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, mà không phải lo đầu ra sản phẩm, lợi nhuận tương đối cao và ổn định. Anh Thạch Chinh Tha, ở ấp Giồng Chanh A cho biết nhờ gần mười năm trồng bắp giống với công ty mà gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng được căn nhà khang trang gần 200 triệu đồng.
Ý kiến ()