Trả lại vỉa hè cho người đi bộ
Xe máy chiếm hết cả vỉa hè, lòng đường phố Bảo Khánh (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG Trong tổ chức giao thông đô thị, xây dựng thói quen đi bộ và giữ vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Song trong thực tế, nhiều hè phố đang biến thành nơi kinh doanh, buôn bán, ngáng trở thậm chí chặn cả lối đi dành cho người đi bộ. Các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân giữ gìn trật tự, tuy nhiên sau một thời gian ngắn, vỉa hè lại lộn xộn như cũ.Trong hơn một tháng qua, liên ngành chức năng của TP Hà Nội ra quân đồng loạt xử lý, giải tỏa nhiều điểm trông giữ xe sai quy định trên 262 tuyến phố, tịch thu hàng hóa, phương tiện của nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Tại các tuyến đường như Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Khuất Duy Tiến,... trong những ngày đầu ra quân, đường thông hè thoáng rõ rệt, không còn tình trạng xe máy, ô-tô dừng đỗ lộn xộn như trước....
Xe máy chiếm hết cả vỉa hè, lòng đường phố Bảo Khánh (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG |
Trong hơn một tháng qua, liên ngành chức năng của TP Hà Nội ra quân đồng loạt xử lý, giải tỏa nhiều điểm trông giữ xe sai quy định trên 262 tuyến phố, tịch thu hàng hóa, phương tiện của nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Tại các tuyến đường như Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Khuất Duy Tiến,… trong những ngày đầu ra quân, đường thông hè thoáng rõ rệt, không còn tình trạng xe máy, ô-tô dừng đỗ lộn xộn như trước. Tuy nhiên, dù không ít nỗ lực chấn chỉnh, song, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều vỉa hè vẫn bị lấn chiếm để làm nơi kinh doanh buôn bán và trông giữ xe dưới nhiều hình thức. Dạo qua các đường Trường Chinh, Đại Cồ Việt, Kim Ngưu, Trương Định rồi đường Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh,… vỉa hè nào cũng bị lấn chiếm, bày bán đa dạng hàng hóa, đủ chủng loại, thậm chí tràn cả xuống lòng đường, nhất là vào cuối giờ chiều. Tại những tuyến phố cổ vốn đã nhỏ, mật độ người qua lại rất cao, thường xuyên tập trung khách du lịch trong nước và quốc tế, người đi bộ phải lách qua các sạp hàng, xe máy để choán hết vỉa hè. Nhiều hàng quán, gánh hàng rong và xe máy “thản nhiên” kinh doanh ngay cạnh biển báo “cấm kinh doanh trên vỉa hè”. Trên trục đường Giải Phóng, tuyến giao thông quan trọng của Thủ đô đi các tỉnh phía nam, vỉa hè được quy hoạch rộng rãi cho người đi bộ, nay trở thành địa điểm lý tưởng cho những hàng bán bánh mỳ, hoa quả, mũ bảo hiểm,…”trú ngụ”. Đặc biệt, hàng dài những chiếc xe nhận chở hàng thuê “hiên ngang” đỗ chiếm hết vỉa hè, khiến người đi bộ phải tránh xuống lòng đường hòa chung với dòng ô-tô, xe máy nườm nượp. Điều này rất nguy hiểm bởi đường thoáng, phương tiện giao thông thường chạy với tốc độ cao, dễ xảy ra tai nạn.
Chúng tôi để ý, khi thấy bóng lực lượng trật tự đi kiểm tra, gần như ngay lập tức, các chủ hàng quán nhanh chóng thu dọn hàng hóa, bàn ghế vào trong nhà hoặc tạm thời “sơ tán” vào chỗ an toàn. Sau khi lực lượng chức năng đi qua, cũng gần như lập tức, vỉa hè bị lấn chiếm trở lại. Trên cùng tuyến phố, thấy một nhà bày hàng ra, nhà khác cũng không chịu kém, giăng hàng ra xa hơn, sao cho đập vào mắt người đi đường. Mức độ chiếm dụng vỉa hè trở thành một thước đo cạnh tranh. Người đi bộ chỉ còn biết nhượng bộ, phải lách qua hoặc vòng tránh xuống lòng đường.
Trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một việc cần có kế hoạch trình tự. Khi người sử dụng xe máy chiếm khoảng 90% nhu cầu đi lại ở đô thị, thì kinh tế vỉa hè vẫn có đất sống. Họ chỉ cần tấp xe vào lề hoặc tạt lên vỉa hè là có thể mua hàng tiêu dùng, đi chợ, ăn uống thoải mái và tiện lợi. Trong thực tế, vỉa hè vẫn là chỗ mưu sinh của nhiều người và là nơi tạm để một số lượng xe máy nhất định, vì xe máy tăng quá nhanh, không đủ chỗ chứa gửi. Nhưng không thể vì thế mà buông lỏng, ngược lại phải kiên quyết lập lại trật tự việc sử dụng vỉa hè. Trong đó, cần kết hợp nhiều giải pháp và có bước đi thích hợp, tiếp tục kiểm tra, phân loại đối tượng lấn chiếm vỉa hè, có biện pháp cụ thể và phát huy kết quả bước đầu đã đạt được. Đối với việc trông giữ xe máy, ô-tô ở vỉa hè và lòng đường, cần quy định những điểm trông giữ xe cố định phù hợp từng địa bàn, tăng cường tuần tra xử lý những điểm trông giữ sai quy định. Bên cạnh đó, tuyên truyền định hướng cho người dân nên sử dụng phương tiện cá nhân vào lúc nào cho phù hợp. Vận động người dân sử dụng các phương tiện công cộng nhiều hơn, những lúc rảnh rỗi hoặc cung đường ngắn, nên đi bộ để góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Đối với những hộ kinh doanh nhà mặt phố, tuyên truyền để họ hiểu và không đặt lợi ích cá nhân lên trên, nên dung hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không gây cản trở đường đi lối lại của người dân; sắp xếp, bày bán hàng hóa hợp lý; xây dựng chỗ gửi xe cho khách hàng, không ảnh hưởng trật tự công cộng. Các quán hàng ăn tự phát, những “chợ cóc” vỉa hè cần xóa bỏ triệt để, do không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại địa bàn có trường học, công ty nhiều công nhân làm việc, thì chính quyền nên cấp giấy phép kinh doanh mở quán ăn bình dân, giá rẻ phù hợp học sinh, sinh viên, công nhân thu nhập thấp. Việc cấp giấy phép kinh doanh bắt buộc để người kinh doanh tuân thủ những quy định về việc không lạm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, giúp cho việc quản lý của các cơ quan chức năng dễ dàng hơn. Đối với những người bán hàng rong, vì cuộc sống mưu sinh cho nên thường hoạt động không cố định, chính quyền tại những tuyến phố đó cần hướng dẫn, sắp xếp, vận động họ vào từng khu vực cố định để dễ kiểm soát và xử lý người vi phạm. Với những kết quả bước đầu đã đạt được và những bước đi tiếp theo của các cơ quan chức năng, của người dân, hy vọng vỉa hè sớm được trả lại cho người đi bộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()