Trả lại màu xanh biên giới
Những năm qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 phối hợp Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn (Binh chủng Công binh) triển khai dự án RPBM, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thuộc địa bàn Quân khu 1. Quá trình tổ chức thi công rà phá bom, mìn, vật nổ để triển khai các dự án, chương trình như: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tuyến biên giới Việt- Trung (Chương trình 120), phân giới cắm mốc biên giới, làm đường tuần tra biên giới và các chương trình, dự án khác, nhiều héc ta đất dọc biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn đã được giải phóng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế -xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh.
Huấn luyện xử lý vật liệu nổ ở Trung đội công binh 576 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn |
Lạng Sơn là nơi trực tiếp xảy ra chiến tranh biên giới, hiện nay nhiều diện tích đất trên các tuyến biên giới của tỉnh vẫn còn sót lại các loại bom, mìn, vật nổ chưa nổ còn nằm sâu trong lòng đất, là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, đời sống, trật tự an toàn xã hội. Các chất hóa học trong các loại bom, mìn, vật nổ đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng và gây tâm lý hoang mang lo lắng, khiến người dân sinh sống nơi đây không yên tâm lao động sản xuất. Việc thực hiện dự án RPBM, vật nổ sẽ góp phần đảm bảo làm sạch đất đai, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất cây trồng, chăn nuôi, xây dựng nhà cửa; mở rộng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình tái định cư và hoạt động phát triển kinh tế -xã hội địa phương; khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Trung úy Lý Văn Thọ, Trung Đội trưởng Trung đội Công binh 576, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn- là đơn vị trực tiếp tham gia RPBM chia sẻ với chúng tôi: trong quá trình thi công, nhiều bãi mìn bố trí không theo quy luật, mật độ mìn, tín hiệu dày đặc, có nhiều loại mìn chống bộ binh như: POMZ-2, 652A, K58…, nhất là mìn PPM2 rất nguy hiểm, dù chôn dưới lòng đất vài chục năm, song nó vẫn còn nguyên tác dụng, chỉ cần năm đến bảy kg đè lên là mìn phát nổ. Ðể bảo đảm an toàn, khi máy dò phát hiện được tín hiệu, bộ đội phải cắm tiêu chính giữa, rồi sau đó đào chung quanh. Quá trình đào phải dùng tay kết hợp với xẻng, thực hiện nhẹ nhàng, thận trọng. Nếu để xảy ra sai sót là chúng tôi phải trả giá bằng xương, máu. Khi phát hiện được mìn không rõ chủng loại, nhạy nổ, anh em phải đánh dấu bằng cờ tín hiệu để cuối ngày hủy nổ trực tiếp. Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã coi trọng công tác giáo dục, quán triệt bộ đội hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn. Trong khi thực hiện phải làm đúng quy trình, nguyên tắc và bình tĩnh, tránh sơ suất đáng tiếc, vì nếu để xảy ra sai sót, sẽ phải trả giá bằng xương máu, không có cơ hội sửa chữa, rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, trước mỗi buổi lên đường làm nhiệm vụ, đơn vị thường xuyên tổ chức luyện tập cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững các kỹ năng sử dụng máy dò mìn, cách tháo gỡ, động tác kỹ thuật, xử lý vật liệu nổ đảm bảo thuần thục. Những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Trung đội công binh 576 đã RPBM, giải phóng được khoảng 500 ha đất tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn, phục vụ triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Trung tá Vũ Trí Hòa, Trưởng Ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn cho biết: năm 2014, tổng diện tích đất trên tuyến biên giới được RPBM là 124 ha, do các đơn vị Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, Lữ Đoàn Công binh 575, Tiểu đoàn 31, Tiểu đoàn 20, Sư đoàn BB 3 Quân khu 1 và Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện. Tại những nơi dự án RPBM triển khai, đồng bào luôn hợp tác, giúp đỡ tận tình, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy làm việc trong điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường, sinh hoạt, ăn ở, đi lại khó khăn, nhiệm vụ có tính chất hiểm nguy luôn rình rập, nhưng cán bộ, chiến sỹ không quản ngại khó khăn, luôn xác định tốt tư tưởng, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Có thể khẳng định rằng, sau khi các dự án RPBM trên tuyến biên giới phục vụ mở đường tuần tra biên giới, tại các khu vực này, giờ đây đã phát triển thêm nhiều bản làng mới đông vui, cuộc sống bình yên, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn. Giao thông vận tải đi lại thuận lợi đã giúp đồng bào có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống sinh hoạt, gắn bó với miền biên cương của Tổ quốc, góp phần củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Ý kiến ()