Thứ 3, 24/12/2024 19:33 [(GMT +7)]
Trả lại cho lễ hội ý nghĩa văn hóa
Chủ nhật, 20/02/2011 | 09:48:00 [(GMT +7)] A A
Ngày 9-2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg gửi các cơ quan của Đảng, các bộ, ngành, các địa phương và một số cơ quan báo chí.
Trong khi khẳng định 'công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch', Công điện cũng chỉ rõ 'việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như: mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ và hành vi ứng xử chưa văn hóa đối với một số lễ hội; các hiện tượng tiêu cực như: mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không bảo đảm, thương mại hóa lễ hội có chiều hướng phát triển… Thực trạng này đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội'. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số yêu cầu nhằm chấn chỉnh tình trạng trên đây, đồng thời yêu cầu nâng cao công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong thời gian tới. Thiết nghĩ, đây là sự chỉ đạo kịp thời và phù hợp với xu hướng phát triển của văn hóa; mặt khác, cũng khẳng định vai trò quan trọng của các ban, ngành và chính quyền các địa phương đối với quản lý hoạt động lễ hội.
Mấy năm qua, dư luận nói chung và báo chí nói riêng, đã rất nhiều lần phản ánh và bày tỏ sự bức xúc trước biểu hiện thái quá của người tham dự và tình trạng quản lý thiếu nghiêm ngặt ở một số lễ hội. Một số địa phương cũng đã cố gắng tổ chức lễ hội có quy củ, bảo đảm tính văn hóa, sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên thực tế cho thấy càng gần đây các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đang trở nên phổ biến hơn. Trong những ngày đầu Xuân Tân Mão, hầu như mọi nơi thờ tự các vị thần, vị thánh trên cả nước đều đông nghịt người. Nhiều người lãng phí tiền bạc, bày đặt những nghi lễ phức tạp chỉ để cầu xin lợi lộc từ chốn hư vô. Họ đã biến một số địa danh lịch sử, biến tên tuổi một số danh nhân của đất nước thành địa chỉ và đối tượng để cầu khấn một cách dung tục, làm giảm thiểu ý nghĩa lịch sử – văn hóa. Cùng với lễ bái là các trò mê tín, dị đoan, là kinh doanh theo lối 'chặt chém' là tình trạng tùy tiện trong ứng xử với môi trường, cảnh quan các khu di tích. Chưa kể người đi lễ hội còn làm ách tắc đường sá dẫn tới nhiều tai nạn giao thông. Đáng tiếc là, dù không phải trong ngày nghỉ, nhưng không khó để nhận ra trong những người đến lễ hội cầu khấn 'xin xỏ, vay mượn' có cả viên chức nhà nước, tức là họ đã rời nhiệm sở, không làm việc. Thậm chí, có tờ báo đã công bố ảnh một số ô-tô mang 'biển xanh' đỗ tại nơi gửi xe của một số địa điểm có nhiều người đến cầu khấn… Đó là hiện tượng rất đáng chê trách.
Khi mùa xuân tới, đến dự lễ hội để tưởng nhớ công ơn người đi trước, để cầu mong an lành, làm ăn tấn tới là nhu cầu lành mạnh của mọi người, cần được tôn trọng. Song cầu mong bằng những hình thức thiếu văn hóa, xâm phạm chuẩn mực ứng xử nơi công cộng, làm rối loạn trật tự địa phương, buộc người khác phải chịu đựng hành vi nằm ngoài quy định chung… là điều cần phê phán. Vì thế, ngoài việc tuyên truyền để người tham gia lễ hội nâng cao ý thức tự giác, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội, nhanh chóng trả lại cho lễ hội ý nghĩa văn hóa, để lễ hội thật sự là ngày vui của mọi người.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()