Trà diếp cá Lụa Vy: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh
– Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Chế biến Nông sản Lụa Vy, thôn Làng Hăng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất trà diếp cá. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm. Trong năm 2021, sản phẩm Trà diếp cá của hợp tác xã là một trong 10 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Sản phẩm Trà diếp cá Lụa Vy đã thể hiện được tính chất của sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ vào sản xuất; khai thác nguyên liệu sẵn có của địa phương; bao bì, nhãn mác sản phẩm được chú trọng; đáp ứng như cầu của thị trường về sản phẩm…
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Lạng Sơn ghi lại về quy trình sản xuất trà diếp cá Lụa Vy của Hợp tác xã chế biến Nông sản Lụa Vy.
CẨM HÀ
Diếp cá là loài cây mọc tự nhiên, sẵn có trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đây là loại cây có đặc tính thanh nhiệt, được người dân ưa dùng trong cuộc sống hàng ngày. Từ nguồn nguyên liệu này, Chị Vy Thị Lụa, Giám đốc HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, thôn Làng Hăng, xã Quan Sơn đã nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm Trà diếp cá để đưa ra thị trường
Công nhân HTX Chế biến nông sản Lụa Vy thu hoạch cây diếp cá để chế biến sản phẩm Trà diếp cá. Ngoài ra, để có thêm nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến, HTX còn liên kết với một số hộ dân trong huyện Chi Lăng để trồng và thu mua cây diếp cá với giá thu mua ổn định từ 10.000-12.000 đồng/kg
Công nhân của HTX Chế biến nông sản Lụa Vy vận hành máy đóng trà túi lọc. Được biết, để sản xuất ra trà diếp cá, HTX đã sử dụng công nghệ sấy lạnh kết hợp với sấy lò hơi ở nhiệt độ thấp, và kết hợp với cây cỏ ngọt, lá dứa nếp và một số thảo dược vùng núi Lạng Sơn. Sau khi thu hoạch nguyên liệu về, công nhân của HTX sẽ rửa nguyên liệu, sấy lạnh lá nếp thơm, sấy nhiệt rau diếp cá, nghiền lá nếp thơm và rau diếp cá rồi mang đi rang, sau đó cho vào máy đóng túi trà tự động. Nhờ đó đã tạo ra một vị trà diếp cá riêng biệt, khác so với những gói trà diếp cá bán ngoài thị trường
Công nhân của HTX chế biến nông sản Lụa Vy đóng hộp trà diếp cá túi lọc. Sau khi đóng hộp, sản phẩm sẽ được đưa vào máy co màng tự động, nhập kho và xuất bán. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ người/tháng
Trà diếp cá Lụa Vy đã được giới thiệu tại Hội nghị tập huấn về sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) do Sở Công Thương tổ chức vào tháng 10/2020
Đoàn nghiệm thu đề án khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương nghiệm thu đề án "hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất Trà diếp cá Lụa Vy" tại HTX Chế biến nông sản Lụa Vy. Theo đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, HTX được hỗ trợ 71,8 triệu đồng để đầu tư hoàn thiện dây chuyền máy móc sản xuất trà diếp cá
Trà diếp cá Lụa Vy khi đưa ra thị trường có đầy đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin về sản phẩm. Hằng năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 1.500 kg Trà diếp cá, thu về lợi nhuận hơn 170 triệu đồng/năm
Người dân mua Trà diếp cá Lụa Vy tại Tuần lễ trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm tiềm năng, chủ lực và các sản phẩm OCOP tại Trung tâm Thương mại Vincom, đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn vào tháng 11/2021
Hiện nay, Trà diếp cá doHTX Chế biến nông sản Lụa Vy sản xuất đã được tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn các tỉnh từ miền Bắc vào miền Nam và nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng. Vào tháng 4/2022, Trà diếp cá Lụa Vy được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Ý kiến ()