“Trà dền gai CVA AS” - Dự án khởi nghiệp có tính khả thi và hiệu quả kinh tế
– Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại trà thảo mộc với nhiều tác dụng và tính năng riêng, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Vì vậy, một nhóm học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã đưa ra ý tưởng khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh “Trà dền gai CVA AS”. Theo đánh giá của đơn vị chức năng, dự án có tính khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế.
Dền gai hay dền hoang thuộc cây thân thảo, có chiều cao trung bình từ 0,3 đến 0,7 m. Dền gai là loại cây mọc dại có thể tìm thấy ở các khu đất bỏ trống hoặc ven đường khắp các tỉnh thành, phổ biến ở vùng đồng bằng và trung du nước ta. Theo đông y, dền gai có tính hơi lạnh, vị ngọt nhạt, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt… Mỗi bộ phận của dược liệu này đều có tác dụng điều trị bệnh khác nhau. Theo y học hiện đại, cả cây dùng chữa mụn nhọt, thận hư, lậu, lỵ, giải nhiệt, giảm đau…
Đại diện nhóm dự án giới thiệu về sản phẩm trà dền gai tại Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên năm 2022
Em Vi Hoàng Khánh Như, Trưởng nhóm triển khai dự án sản xuất và kinh doanh “Trà dền gai CVA AS” cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng hướng đến sử dụng thực phẩm, đồ uống sạch, đảm bảo cho sức khỏe thì trà dền gai là một lựa chọn hoàn hảo. Để góp phần nâng cao giá trị sản vật địa phương, từ tháng 10/2022, chúng em đã có ý tưởng sản xuất, kinh doanh trà dền gai. Sau khi hình thành ý tưởng, chúng em bắt tay vào sản xuất thủ công và hiện đang có 3 loại trà gồm: trà dền gai vị hoa đậu biếc; trà dền gai vị hoa nhài; trà dền gai vị lá nếp.
Khi triển khai dự án, nhóm các học sinh gồm: Vi Hoàng Khánh Như, lớp 10 E, Hoàng Thị Thanh Huyền và Lâm Nguyệt Anh, lớp 11 D2, Đinh Trần Vy Anh và Hứa Lý Anh Thư, lớp 10 A1, học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An đã nhận được sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Minh Tú và cô Vi Thị Mai Thanh, giáo viên nhà trường. Trên cơ sở tìm hiểu, phân tích, xin ý kiến chuyên gia, nhóm triển khai dự án đã liên hệ với những hộ trồng rau tại xã Mai Pha, Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn để thu mua cây dền gai tươi, sau đó đem về làm sạch (bỏ rễ), thái khúc hoặc cắt nhỏ, sấy khô và nghiên cứu đưa ra tỉ lệ nhất định giữa dền gai và các loại thảo mộc khác để tạo nên hương vị đặc trưng. Trà sau khi đóng gói bảo quản nơi khô ráo, có hạn sử dụng trong 6 tháng.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn khi thực hiện dự án, thầy Nguyễn Minh Tú cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, do người dân chưa biết đến công dụng của cây dền gai nên chưa trồng nhiều khiến nguồn nguyên liệu chưa đều, bên cạnh đó, tất cả các công đoạn đều được sản xuất thủ công do chưa có kinh phí đầu tư máy móc, xưởng sản xuất. Ngoài ra, dự án mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Nếu được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư thì tôi tin rằng đây sẽ là một dự án tiềm năng góp thêm vào thị trường dòng sản phẩm an toàn cho sức khoẻ, tạo thêm sự lựa chọn cho khách hàng và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương.
Sau khi thử nghiệm sản xuất, cung cấp sản phẩm các loại trà dền gai ra thị trường, nhóm triển khai dự án đã khảo sát ý kiến khách hàng về sản phẩm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và nhận được những phản hồi tích cực. Tại Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên năm 2022 diễn ra vào đầu tháng 12/2022, nhóm triển khai dự án mở bán sản phẩm với giá 70.000 đồng 1 hộp trà (24 túi lọc), rẻ hơn 5 đến 10% so với các loại trà thảo mộc khác đang có trên thị trường.
Để dự án được triển khai hiệu quả trong thực tế, được biết, đầu năm 2023, nhóm triển khai dự án sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất và tích cực đưa sản phẩm ra thị trường. Nhóm sẽ liên kết với các nhà phân phối để có thể tiêu thụ sản phẩm tại các đại lý tạp hoá, nhà hàng, siêu thị, hiệu thuốc… trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trên các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng như: giảm giá hoặc tặng quà các dịp lễ lớn trong năm; dành nhiều ưu đãi cho cộng tác viên, cơ sở kinh doanh tiêu thụ được nhiều sản phẩm… và hướng tới mô hình kinh doanhctheo hình thức hợp tác xã. Tin rằng, với những công dụng tốt cho sức khoẻ con người, dự án kinh doanh của các em học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
“Chúng tôi đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả kinh tế và khả năng thành công trong thực tế của dự án khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh “Trà dền gai CVA AS” của các em học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An. Đây còn là một trong những dự án đã có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tại Ngày hội Khởi nghiệp cấp tỉnh năm nay, dự án này đã giành giải nhất. Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban giám khảo Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên năm 2022. |
Ý kiến ()