TPHCM định hướng “Du lịch có trách nhiệm” năm 2017
Hội thảo “Phát triển du lịch có trách nhiệm”. Ảnh: VGP/Phan Hoàng |
Hội thảo quy tụ gần 300 đại biểu là những nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành du lịch trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong năm 2016 vừa qua, du lịch TPHCM có sự tăng trưởng đáng kể khi đón 5,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên so với những lợi thế sẵn có, ngành du lịch Thành phố thực tế còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.
Do đó, tại hội thảo lần này, lãnh đạo UBND Thành phố mong muốn các chuyên gia du lịch chia sẻ thêm kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp hay, cách làm hiệu quả để phát triển “Du lịch có trách nhiệm”. Đây cũng là định hướng của ngành du lịch Thành phố trong năm 2017 nhằm phát triển du lịch một cách thực sự bền vững.
Theo Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, “Du lịch có trách nhiệm” là một cách tiếp cận quản lý du lịch để tối ưu hóa các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới điểm đến… để phát triển du lịch một cách bền vững. Các loại hình du lịch liên quan gồm: Du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng và Du lịch nông nghiệp.
Trong đó, phát triển du lịch phải được gắn với việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; đồng thời đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa; cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến cùng các nhà quản lý du lịch TPHCM nhằm tìm ra lời giải cho bài toán phát triển du lịch bền vững. Hầu hết đều bày tỏ đồng tình và đánh giá cao định hướng phát triển“Du lịch có trách nhiệm” của Thành phố.
Theo ông Peter Semone – Gám đốc điều hành Destination Hunan Capital, Chủ tịch Quỹ hiệp hội du lịch châu Á-Thái Bình Dương (Pata), phát triển du lịch trách nhiệm, trước hết phải đi từ việc bảo vệ tự nhiên, môi trường. Kinh nghiệm của Thành phố Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy việc hạn chế khí thải, phát triển các loại hình giao thông, cũng như hệ thống dịch vụ du lịch, khách sạn thân thiện với môi trường là “chìa khóa” để thành công.
Còn tại TPHCM hiện nay, du khách nước ngoài vẫn than phiền nhiều về tình trạng ùn tắc giao thông, không khí ồn ào, bụi bặm… Đây là những vấn đề Thành phố cần giải quyết để trở thành một điểm đến du lịch trách nhiệm. Giải pháp hữu hiệu là phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch, phát triển hệ thống giao thông thông minh, quy hoạch nhiều khu phố đi bộ…
“Những nơi có chất lượng cuộc sống cao tự nhiên sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách. Đừng quá chú tâm khách du lịch cần gì mà hãy tìm hiểu và đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống của chính cư dân địa phương”, ông Semone nói.
Trong khi đó, bà Barkathunnisha – Giám đốc Điều hành và sáng lập Công ty Tư vấn và Đào tạo Elevated cho rằng, du lịch trách nhiệm đang là xu hướng chung của toàn cầu. Để thành công, vấn đề mấu chốt là phải tạo ra những trải nghiệm du lịch có giá trị cao, đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch trách nhiệm tại Singapore, bà Barkathunnisha cho biết, Singapore đang làm mới sản phẩm bằng cách phát triển loại hình du lịch trang trại, đưa du khách đến các trang trại của người dân địa phương để cùng trải nghiệm việc trồng trọt, tiếp xúc trực tiếp với nông dân – người dân bản địa.
Để xóa bỏ ấn tượng của du khách về một đất nước Singapore phát triển hiện đại, những nhà quản lý du lịch tại quốc đảo này đã khôn khéo ứng dụng khao học công nghệ (chủ yếu là điện thoại thông minh, các phần mềm ứng dụng trực tuyến) để trực tiếp hướng du khách đến tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa, để từ đó họ có những trải nghiệm mới mẻ, khác lạ.
Bên cạnh những ý kiến nêu trên, các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, để TPHCM là điểm đến của “Du lịch có trách nhiệm”, ngành du lịch Thành phố cần phát triển các cơ sở lưu trú nhỏ ngay tại cộng đồng; phát triển ẩm thực địa phương; giải quyết tốt vấn đề rác thải, ùn tắc giao thông; ưu tiên sử dụng năng lượng sạch…
Ý kiến ()