TP. Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển kinh tế
Thời gian qua, với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã thu được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, hiệu quả…
Theo đó, UBND thành phố Tuyên Quang đã chủ động nắm tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng tích cực, chủ động trong việc mở rộng đầu tư kinh doanh, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm. Có nhiều sản phẩm đã tạo được uy tín trên thị trường như: Gỗ tinh chế, giấy, hàng dệt may,… góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất.
Trước hết, trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường tổ chức sản xuất đúng khung thời vụ, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định; duy trì, phát triển những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao để phát triển hàng hóa. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây vụ mùa và vụ đông góp phần giúp người nông dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật mới để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập. Trong năm 2018, đã tổ chức 233 lớp tập huấn, với 6.023 lượt người tham gia. Nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đã được triển khai như mô hình trồng bưởi xã Thái Long; mô hình trồng cam xã Đội Cấn; mô hình trồng chanh tứ thì xã Đội Cấn; mô hình trồng cây măng tây phường Ỷ La; mô hình nuôi ong mật tại xã An Khang…
Công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng được quan tâm, chú trọng. Các cơ quan chuyên môn đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đặc biệt là các xã, phường có rừng. Hình thức tuyên truyền được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Năm 2018 vừa qua, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của thành phố Tuyên Quang tăng 51% so với năm 2017, qua đó góp phần nâng cao đời sống người trồng rừng.
Thực hiện phương châm phát triển kinh tế toàn diện, lĩnh vực thương mai, du lịch và dịch vụ cũng được Thành ủy, UBND thành phố thường xuyên quan tâm. Hàng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện kịp thời các giải pháp quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là trong dịp lễ, tết. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động và nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt Nam nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố đã tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý, lưu thông hàng hóa, cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tập trung rà soát các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đưa vào các chợ trên địa bàn thành phố để quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển trung tâm thương mại như Trung tâm thương mại Vincom, siêu thị Tuyên Quang, Điện máy Vũ Công, Điện máy xanh…
Đặc biệt, trong phát triển du lịch, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ tính riêng trong năm 2018, thành phố Tuyên Quang đã tổ chức tốt nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của thành phố như Đêm hội Thành Tuyên 2018; Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La…; từ đó góp phần quảng bá, đưa hình ảnh thành phố Tuyên Quang đến với du khách trong nước và quốc tế. Thành phố đã xây dựng các tour, tuyến du lịch trong đó tập trung phát triển du lịch tâm linh và chú trọng hợp tác với các huyện trong tỉnh để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành mở rộng các hoạt động quảng bá, liên kết các tour du lịch với các tỉnh bạn. Chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan du lịch, đền chùa đảm bảo và an toàn; thu hút lượng du khách đến thành phố, đặc biệt là trong các dịp lễ hội. Trong năm 2018, thành phố đã thu hút 620 nghìn lượt khách du lịch, đạt 142,5% kế hoạch; doanh thu xã hội hóa từ du lịch là trên 527 tỷ đồng đạt 115,3% kế hoạch.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong phát triển kinh tế ở thành phố Tuyên Quang, đó là các lĩnh vực sản xuất đã được đẩy mạnh phát triển gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã An Khang, Tràng Đà, Lưỡng Vượng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, giữ vững các kết quả đã đạt được, đồng thời không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiến tới được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong đó tập trung; chú trọng các tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, thu nhập, giao thông và trường học. Việc huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia đóng góp công sức, tăng cường hoạt động xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới cũng được thực hiện có hiệu quả. Đến hết năm 2018, thành phố Tuyên Quang đã có thêm xã Thái Long và xã Đội Cấn đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn thành phố lên 05 xã.
Theo đồng chí Tô Hoàng Linh – Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang, tính đến hết năm 2018, thu nhập nhập bình quân của người thành phố đạt 58 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 1,63% xuống 1,01%. Phát huy những kết quả nói trên, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, hiệu quả. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp; nông, lâm nghiệp và du lịch; trong đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh; đẩy mạnh sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()