Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010-2020 nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông sản, thực phẩm bảo đảm năng suất, chất lượng nâng cao đời sống người dân. Định hướng đó đã và đang phát huy tác dụng tại vùng trồng rau an toàn của TP Lạng Sơn.Niềm vui bên dòng sông Kỳ CùngSắc vàng óng ả trải dài trên cánh đồng Nà Vé, từng cơn gió từ đồi Pá Giới, đồi Lọ Đút mang theo hơi nước của dòng sông Kỳ Cùng thổi về se se lạnh. Vừa làm cỏ ruộng su hào, chị Đinh Thị Thới, người dân tộc Tày vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, gia đình tôi có tám sào ruộng chủ yếu là trồng lúa. Sau khi được Ban chủ nhiệm hợp tác xã đến vận động, gia đình tôi đã chuyển số diện tích nói trên sang trồng rau theo mô hình rau an toàn của tỉnh. Trước đây trồng lúa một năm chỉ có hai vụ, nếu chăm bón tốt, thời tiết thuận lợi, thì mỗi sào trồng...
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010-2020 nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông sản, thực phẩm bảo đảm năng suất, chất lượng nâng cao đời sống người dân. Định hướng đó đã và đang phát huy tác dụng tại vùng trồng rau an toàn của TP Lạng Sơn.
Niềm vui bên dòng sông Kỳ Cùng
Sắc vàng óng ả trải dài trên cánh đồng Nà Vé, từng cơn gió từ đồi Pá Giới, đồi Lọ Đút mang theo hơi nước của dòng sông Kỳ Cùng thổi về se se lạnh. Vừa làm cỏ ruộng su hào, chị Đinh Thị Thới, người dân tộc Tày vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, gia đình tôi có tám sào ruộng chủ yếu là trồng lúa. Sau khi được Ban chủ nhiệm hợp tác xã đến vận động, gia đình tôi đã chuyển số diện tích nói trên sang trồng rau theo mô hình rau an toàn của tỉnh. Trước đây trồng lúa một năm chỉ có hai vụ, nếu chăm bón tốt, thời tiết thuận lợi, thì mỗi sào trồng lúa cũng chỉ cho thu nhập khoảng một triệu đồng, chưa tính các chi phí đầu tư sản xuất. Nhưng nay chuyển sang trồng rau an toàn, tính từ khi làm đất, xuống giống cho đến khi thu hoạch mất khoảng 50 ngày. Chỉ tính riêng một sào rau cải làn, gia đình tôi bán đợt vừa rồi, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn còn lãi hơn bốn triệu đồng, dù giá bán không được cao như lứa rau trước. Kể từ ngày có phong trào trồng rau an toàn, kinh tế nhiều gia đình trong bản đã trở nên khấm khá, có tiền cho con ăn học, sửa sang, xây mới nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, điều vui nhất là giờ đây mình có công việc ổn định và thường xuyên trên mảnh ruộng của mình, không còn cảnh sau mùa vụ lại kéo nhau lên thành phố, hay các địa phương khác kiếm công việc.
Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông (thuộc xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) Ngô Thị Lanh chia sẻ, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là nguồn nước trong lành của dòng sông Kỳ Cùng, trước đây bà con cũng trồng các loại rau, nhưng chủ yếu làm theo kinh nghiệm, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm cho nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá các điều kiện thổ nhưỡng, tỉnh đã giao Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh triển khai dự án mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại địa phương.
Khó khăn lớn nhất khi bước vào thực hiện là việc vận động, tuyên truyền làm sao cho bà con hiểu, từ bỏ lối canh tác cũ, chuyển sang canh tác theo kỹ thuật mới dưới sự hướng dẫn của các cán bộ của trung tâm. Năm 2009 mô hình được triển khai tại xã, lúc ban đầu có 30 hộ tham gia, theo hình thức tự nguyện, nhưng phải có đơn xin tham gia dự án và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình kỹ thuật do trung tâm chuyển giao, với diện tích ban đầu là 3,8 ha. Các hộ gia đình tham gia trồng rau an toàn, đã được trung tâm mời tham dự các lớp tập huấn, cũng như được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp trong quá trình sản xuất. Các kỹ thuật được chuyển giao chủ yếu là kỹ thuật làm đất, kỹ thuật xây dựng nhà lưới; chọn và ươm cây giống; kỹ thuật chăm sóc rau; sử dụng nguồn nước tưới sạch; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục đúng cách, đúng quy trình, cũng như kỹ thuật thu hoạch và đóng gói sản phẩm…
Sau một thời gian thực hiện, thấy được lợi ích về năng suất, chất lượng, cũng như hiệu quả kinh tế do trồng rau an toàn mang lại, nhiều hộ gia đình đã làm đơn xin tham gia mô hình và đến nay cả xã đã có 68 hộ tham gia, với diện tích là tám ha, chủ yếu như: su hào, bắp cải, cải bắt ngồng, cải làn, cà chua, đậu…, các sản phẩm làm ra luôn bảo đảm chất lượng và được người tiêu dùng ngày càng biết đến và được thị trường chấp nhận. Điều đáng mừng, đã có nhiều hộ chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng rau an toàn, kinh tế trở nên khấm khá hơn, điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Đức, mỗi năm thu nhập từ trồng rau lên đến hơn 100 triệu đồng.
Đối với vấn đề tìm đầu ra cho các sản phẩm sau khi thu hoạch, chị Ngô Thị Lanh cho biết: Đây đang là bài toán rất khó đối với địa phương hiện nay, dù ngay từ năm 2011, hợp tác xã đã phối hợp Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh thực hiện các đợt tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm rau an toàn đến các nhà hàng, khách sạn, siêu thị; mở cửa hàng giới thiệu rau an toàn tại TP Lạng Sơn do Hội bảo trợ. Tuy nhiên do sản xuất theo mùa vụ, cho nên có thời điểm mỗi ngày có hàng tấn rau được bà con thu hoạch, nhưng việc thu mua của hợp tác xã còn hạn chế, thường bị các tư thương ép giá qua đó đã tác động không nhỏ đến thu nhập, cho nên bà con chưa thật sự an tâm sản xuất. Bởi vậy, trong thời gian tới các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho nông dân, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm để các mô hình trồng rau an toàn đang được triển khai tại địa phương thật sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo.
Cầu nối của nhà nông
TS Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, với dân số khoảng 75 vạn người, trong đó có 80% số dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp khác, Lạng Sơn có rất nhiều chủng loại rau sinh trưởng, phát triển quanh năm như: su hào, bắp cải, cải bắt ngồng, cải làn, súp lơ, rau bò khai, ngót rừng…, điểm nổi bật của các loại rau này là cây rau mập, mềm, ăn có vị ngọt và giờ đây đã được coi là những sản phẩm đặc sản của địa phương được bạn bè gần xa biết đến. Cho nên, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2010-2020, đã nêu giải pháp cần tập trung nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất nông sản, thực phẩm, bảo đảm năng suất, chất lượng, góp phần tạo nên một nền nông nghiệp bền vững, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa bảo đảm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh, từ phòng thí nghiệm, các phòng nuôi cấy mô để thực hiện các công nghệ sinh học, cho đến các cơ sở vật chất để sau giai đoạn nuôi cấy mô đưa ra đồng ruộng đủ điều kiện để khảo nghiệm các loại giống cây trồng, trước khi chuyển giao cho người nông dân sản xuất. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tiến hành xây dựng các cơ chế chính sách, để Nhà nước hỗ trợ một phần cho người nông dân ứng dụng những kết quả sản xuất có hiệu quả, cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực cho trung tâm.
Theo kỹ sư Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn: Với vai trò quan trọng, là cầu nối giữa các nhà khoa học đến với các cơ sở sản xuất và người dân, thời gian qua trung tâm đã phối hợp các viện nghiên cứu, các trường đại học như: Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Viện Rau quả…, đồng thời kết hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các phòng nông nghiệp huyện, thành phố làm đầu mối chính trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.
Kết quả, trung tâm đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và mở rộng nhiều mô hình như: Mô hình trồng khoai tây giống tại ba huyện trọng điểm của tỉnh là Lộc Bình, Tràng Định, Cao Lộc, bình quân mỗi năm có hàng trăm ha được trồng và cho sản lượng từ 15 đến 18 tấn/ha; mô hình trồng hoa ly chất lượng cao; tiếp nhận, sản xuất các loại giống nấm và chuyển giao cho người dân sản xuất đã tạo ra một nghề sản xuất nông sản mới của tỉnh… Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai các lớp tập huấn, thực hiện triển khai các mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, phát triển nông thôn tập trung vào một số nội dung như: Công tác bảo vệ thực vật; chăn nuôi; phương pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng; chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về sản xuất nông, lâm nghiệp theo phương pháp luân canh cây trồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()