TP. Hồ Chí Minh: Tích cực giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường
Với số lượng chất thải các loại thải ra trên địa bàn ngày lớn, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.
|
Rác thải đang gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị. |
Theo đó, Thành phố vừa quyết định duyệt đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 – 2020. Mục tiêu của Dự án này là nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân thành phố Hồ Chí Minh khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang đô thị và nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, sản xuất, kinh tế cho Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề ra 6 mục tiêu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo đó, đến cuối năm 2015 sẽ có từ 80% đến 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý và chuyển giao chất thải đúng quy định; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt tại khu vực nội thành và 60% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt khu vực ngoại thành; giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí do sản xuất, 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông – vận tải và đảm bảo 100% người dân Thành phố được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Để từng bước khắc phục ô nhiễm, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ban, ngành chỉ đạo từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại nội thành và các lưu vực sông, kênh rạch ngoại thành. Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất, xây dựng và các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải thông thường, chất thải nguy hại; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn về kỹ thuật tại các đô thị mới, các công trình công cộng, các cơ sở kinh doanh, sản xuất; chỉ xây dựng sau khi đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường thuộc các đối tượng phải lập; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án xử lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn tại nguồn; ứng dụng phần mềm quản lý chất thải, trang bị hệ thống GPS quản lý các phương tiện thu gom chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, bùn hầm cầu trên địa bàn thành phố. Xây dựng đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại trên địa bàn thành phố; xây dựng mô hình thu gom chất thải nguy hại phát sinh tại cơ sở nhỏ, lẻ nằm xen trong các khu dân cư trên địa bàn quận, huyện.v.v…
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường năng lực mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố. Đến năm 2015, hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước thải tại cửa xả của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Để đẩy nhanh các mục tiêu bảo vệ môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh, theo các chuyên gia về xử lý môi trường, cần phải xây dựng những chính sách phát triển xanh nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia. Chính sách phát triển xanh không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch mà còn tạo ra thị trường kích cầu tiêu dùng xanh. Thị trường này đòi hỏi phải đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng đủ để buộc các doanh nghiệp phải tự chuyển đổi mình nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Đồng thời, thị trường này cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất xanh được tồn tại cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp sản xuất nhưng thiếu trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng.
Ngoài ra, phải xây dựng những chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án hạ tầng như nhà máy xử lý nước thải đô thị, cải thiện chất lượng không khí, hệ thống kênh rạch…, góp phần cải thiện chất lượng môi trường của thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()