TP Hồ Chí Minh tập trung lo Tết cho mọi nhà
Nhằm tránh tình trạng khan hàng, tăng giá, các doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2013. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận). TP Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất cả nước, đối tượng tiêu dùng cũng rất phong phú, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, trong đó có khu vực lao động nghèo, hàng chục vạn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh vào các dịp lễ, Tết, nhất là Tết Âm lịch, nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, cái gốc vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động, chuẩn bị dự trữ hàng, bảo đảm nguồn cung, tổ chức mạng lưới đưa hàng đến với người tiêu dùng, giảm thiểu tác động của việc tăng giá. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.Chuẩn bị nguồn hàng...
Nhằm tránh tình trạng khan hàng, tăng giá, các doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2013. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận). |
Chuẩn bị nguồn hàng sớm
Ngay từ tháng 3-2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 1750/QĐ-UBND ban hành kế hoạch “Thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013” với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 262,2 tỷ đồng. Khoản tiền này được cấp cho 24 DN mua chín mặt hàng thiết yếu dự trữ, phục vụ nhân dân theo cơ chế vay không lãi suất trong thời gian 12 tháng. Trên tinh thần góp sức cùng lo Tết, năm nay tiếp tục có nhiều DN đăng ký tham gia chương trình tự nguyện không nhận vốn hỗ trợ gồm nhiều DN kinh doanh thực phẩm chế biến, rau, củ, quả. Đến cuối tháng 12-2012, tổng nguồn vốn các DN chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ hàng Tết đạt 6.681,8 tỷ đồng, tăng 23,9% so với Tết năm trước. Trong đó, vốn chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 3.436,4 tỷ đồng, tăng 605,7 tỷ đồng so với Tết Nhâm Thìn. Riêng trong tháng cao điểm Tết, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị là 2.698,7 tỷ đồng, trong đó hàng phục vụ bình ổn là 1511,1 tỷ đồng. Đi đầu là Liên hiệp HTX thương mại thành phố (Saigon Co.op) chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết trị giá 3.462 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) chuẩn bị 1.010 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường. Công ty TNHH Phạm Tôn chuẩn bị lượng hàng hóa 572,6 tỷ đồng, Công ty CP thực phẩm công nghệ Sài Gòn chuẩn bị 227,8 tỷ đồng hàng hóa, Công ty TNHH Ba Huân 165,2 tỷ đồng,… Với lực lượng dự trữ hiện nay, nguồn hàng bình ổn thị trường sẽ bảo đảm ba tháng trước, trong và sau Tết với các mặt hàng: Gạo nếp, gạo tẻ, đường RE, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy, hải sản,…
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, triển khai kế hoạch phục vụ Tết, đến nay các đơn vị đã hoàn tất kế hoạch phục vụ. Các siêu thị Maximart, Citimart, Big C,… chuẩn bị lượng hàng tăng gấp hai đến ba lần tháng thường. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, sức mua chậm, nhưng các DN tham gia thị trường vẫn lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ, cam kết bảo đảm nguồn cung với giá cả ổn định, không để xảy ra thiếu hàng, “sốt” giá, tăng giá đột biến. Trong dịp này, một số DN còn tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, tăng thời gian phục vụ thời kỳ cao điểm cận Tết và cam kết mở cửa bán hàng sáng mồng 2 Tết, bảo đảm cung ứng hàng hóa bình thường cho người dân.
Tổ chức mạng lưới phân phối hàng Tết
Do đặc thù của mua sắm trong những ngày Tết thường bị dồn nén, người người, nhà nhà đi mua sắm Tết với nhu cầu mua sắm nhiều mặt hàng. Vì vậy, ở một thành phố đông dân như TP Hồ Chí Minh thì việc tổ chức mạng lưới đưa hàng đến người tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, việc chỉ đạo động viên các lực lượng tham gia mở được nhiều điểm bán, phục vụ tại chỗ cho nhiều đối tượng dân cư sẽ giảm bớt đi lại, gây ùn tắc giao thông.
Đến thời điểm hiện nay, tổng số điểm bán hàng của bốn chương trình bình ổn thị trường là 5.277 điểm. Riêng chương trình lương thực, thực phẩm thiết yếu có 2.734 điểm, trong đó có 831 điểm bán bình ổn thị trường tại 128 chợ truyền thống, 785 điểm bán tại các quận ven và huyện ngoại thành, trong số này có 13 điểm bán tại 10/13 KCN-KCX và 1.118 điểm bán trong khu dân cư nội thành. Nhằm tổ chức đưa hàng bình ổn thị trường đến tay người tiêu dùng, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp giữa các quận, huyện, các DN tham gia chương trình đã nhanh chóng phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán đủ các mặt hàng bình ổn thị trường, gồm 50 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, hơn 200 cửa hàng Co.op, 98 cửa hàng Vissan, 52 cửa hàng Foodcomart,…
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Saigon Co.op làm đầu mối phối hợp với Hội Phụ nữ và Thành Đoàn thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển điểm bán, xây dựng mô hình “cửa hàng Co.op” và “tiệm tạp hóa thanh niên”. Đến nay, Hội Phụ nữ đã vận động nhiều hội viên tham gia 609 điểm bán tại các chợ truyền thống, địa bàn dân cư, mở 36 cửa hàng Co.op tại hộ gia đình. Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp Satra, Saigon Co.op tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven đô, huyện ngoại thành, đăng ký quản lý năm cửa hàng Co.op Food tại các KCN – KCX, tổ chức thí điểm mô hình bán hàng đăng ký trước tại quận 4, quận 6,… Tổ chức tăng thêm phương tiện vận chuyển, tăng tần suất bán hàng lưu động, chủ động đưa hàng hóa về nông thôn, các khu dân cư, KCN – KCX, tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Thực hiện 626 chuyến bán hàng lưu động, trong đó ở các quận ven đô, huyện ngoại thành 163 chuyến, 422 chuyến về các KCN – KCX,…
TP Hồ Chí Minh dự kiến từ nay đến Tết Quý Tỵ, nhu cầu mua sắm bắt đầu tăng nhanh, thành phố phấn đấu tiếp tục phát triển thêm 100 điểm bán, tập trung cho ngoại thành và các quận ven, KCN – KCX. Đến giáp Tết Quý Tỵ, các DN sẽ phân bổ thành nhiều nhóm, thực hiện khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động trên khắp địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên cho các huyện ngoại thành, phấn đấu đến mức cao nhất để đưa hàng Tết đến người tiêu dùng, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trong dịp Tết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()