Những kết quả đáng ghi nhận
Hơn bốn năm (2005 – 2010) TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện kế hoạch quản lý và giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) cho người sau cai đã mang lại kết quả tích cực, đến nay số người sau cai nghiện THNCĐ tái nghiện chiếm tỷ lệ khoảng 20,79% (so với tỷ lệ 98% trước khi thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu Ɖ giảm' và Đề án tổ chức quản lý hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau nghiện). Thành phố thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ về vốn, dạy nghề, tính đến nay, gần hai nghìn trường hợp THNCĐ được giải quyết vay vốn, tạo việc làm và làm kinh tế với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng từ các nguồn vốn như: Quỹ xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội… Đã có gần 10 nghìn người trong tổng số hơn 12 nghìn người THNCĐ đã tìm được việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 800 nghìn đồng đến hai triệu đồng/tháng/người, không ít người thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Bằng nỗ lực của bản thân, gia đình và sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, đến nay tỷ lệ người THNCĐ có việc làm chiếm hơn 75%. Thu nhập bình quân của người sau cai nghiện từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Không ít người sau cai nghiện trở về, được vay vốn, hỗ trợ vốn, chịu khó làm ăn, tiết kiệm, tích lũy đã trở thành chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh là lực lượng đi đầu trong công tác giúp đỡ, dạy nghề, tạo việc làm khá hiệu quả cho người nghiện sau cai, tặng quà cho các học viên, người sau cai có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức nhiều hội thi giáo dục thể chất cho học viên, người sau cai, giao lưu, chia sẻ với người THNCĐ, khen thưởng kịp thời học viên và người sau cai… Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố đã mở các lớp dạy nghề may công nghiệp, điện gia dụng cho hàng nghìn học viên cai nghiện ma túy. Sau khóa học, học viên thi và được cấp chứng chỉ khi đạt yêu cầu. Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với hàng chục nghìn lượt học viên, người sau cai tại Trung tâm và giải đáp những thắc mắc của học viên, người sau cai về các nội dung như: hồ sơ chuyển sau cai, thời gian chờ quyết định tái hoà nhập cộng đồng, việc giải quyết các chế độ chính sách cho học viên, v.v.
Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân thuộc lực lượng TNXP thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn tình nguyện viên giáo dục: Với thời gian tập huấn là ba ngày, gồm những nội dung thiết thực như: Thảo luận về quy trình tư vấn tiếp cận; kỹ thuật, kỹ năng tư vấn; những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, về an toàn tình dục; các kỹ năng đối phó với cơn nghiện, kỹ năng từ chối, các dịch vụ hỗ trợ xã hội (VCT, methadone…); cách thức tổ chức buổi sinh hoạt nhóm, thực hành buổi sinh hoạt nhóm.
Nhiều gương điển hình vượt qua vũng lầy ma túy vươn lên như chị Trần Thị Thanh. Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở phường 11, quận 3, do tuổi trẻ nông nổi, chưa lường hết tác hại của ma túy bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, nên chị từng có thời mắc nghiện. Năm 2003, chị được chính quyền đưa đi cai nghiện. Cai xong, khi chuẩn bị THNCĐ, chị không khỏi hoang mang với những câu hỏi: Làm việc gì để sống khi trở về đời thường? Người thân, bà con lối xóm sẽ đối xử với mình ra sao? Gặp lại bạn xấu trước đây mình nên ứng xử thế nào?… Nhưng khi về với gia đình, chị xúc động khi gia đình, bà con lối xóm, chính quyền địa phương đã dang rộng vòng tay bao dung, thương mến giúp đỡ chị tìm lại cuộc đời. Đến nay, gia đình nhỏ của chị đã có một cuộc sống khá ổn định, mở được một cơ sở sản xuất giày, tất trẻ em, thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. Không chỉ có vậy, cơ sở của gia đình chị Thanh còn giải quyết việc làm cho hơn chục lao động, trong đó có không ít người cũng từng đi cai nghiện trở về. Chị tâm sự: 'Vì đã trải qua cảnh ngộ khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi đó, nếu không có những vòng tay bao dung từ gia đình và cộng đồng thì tôi không có được ngày hôm nay. Việc giúp người sau cai tái hòa nhập cũng là trao cho họ niềm tin vào cuộc sống, để họ có thể đoạn tuyệt hẳn với ma túy'.
Anh Mạnh Quỳnh, phường 15, quận Tân Bình nghiện ma túy nhiều năm, phải tập trung cai nghiện. Sau khi về với gia đình, được gia đình hỗ trợ cùng với sự tích cóp của bản thân và sự động viên của chính quyền địa phương, anh đã mở một cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại di động có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng và đã đoạn tuyệt với ma túy.
Công tác giáo dục, hỗ trợ giúp đỡ THNCĐ cho người sau cai là công tác khó khăn phức tạp. Để có kết quả tốt không chỉ cần sự quan tâm của mỗi cá nhân, tổ chức mà đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của tất cả các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Để giúp người sau cai nghiện nhanh chóng THNCĐ và không tái nghiện, cách tốt nhất là tạo cho họ việc làm và có thu nhập ổn định. Mỗi trung tâm giáo dục xã hội có trách nhiệm tổ chức đưa, đón người sau cai nghiện đến cơ sở dạy nghề và trở lại Trung tâm khi kết thúc học nghề.
Gia đình, xã hội cần quan tâm hơn nữa
Sau khi làm công tác bàn giao người cai nghiện đã hoàn thành thời gian theo quy định tại cơ sở cai nghiện cho chính quyền địa phương, thành phố luôn có một đội cán sự xã hội tại địa phương giúp tham vấn cho người cai nghiện.
Có nhiều cán sự xã hội vì yêu nghề, vì trách nhiệm mà không ngại nắng, mưa để giúp cho những người sau cai vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng trôi chảy, họ cũng gặp khó khăn trong việc tham vấn, đôi khi các vấn đề của những người sau cai rất phức tạp cần đến trình độ chuyên môn mới có thể kết hợp và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.
Ở TP Hồ Chí Minh – nơi điều kiện kinh tế phát triển, vẫn rất cần nhiều cán sự xã hội, những người được đào tạo về mặt chuyên môn để có thể giúp người sau cai giải quyết những vấn đề khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống. Điều đáng mừng là hiện nay ngành công tác xã hội đã được đưa vào giảng dạy, là một môn học đại cương trong các ngành. Mong rằng, trong tương lai không xa, thành phố sẽ có một đội ngũ nhân viên xã hội đủ mạnh để góp phần cùng các nhà hoạch định chính sách cải thiện các hệ lụy của các tệ nạn xã hội.
Ý kiến ()