TP.Hồ Chí Minh: Phát sinh khoảng 8.300 tấn rác mỗi ngày
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, mỗi ngày, trên địa bàn Thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt và tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm đến 76%.
Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam xử lý tại bãi rác Đa Phước bằng công nghệ chôn lấp 5.500 tấn/ngày; Công ty Vietstar Lemna xử lý làm phân compost 1.500 tấn/ngày; Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn/ngày và Công ty Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh chôn lấp 500 tấn/ngày.
Trước tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, chính quyền Thành phố đã yêu cầu trong tháng 7/2017, chủ đầu tư của bốn khu xử lý rác là Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa định kỳ cho người dân vào giám sát tình hình môi trường.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đến năm 2020 phải chuyển từ 1.000 đến 2.000 tấn rác sang công nghệ xử lý hiện đại, số rác còn lại phải tăng cường xử lý tốt. Đến ngày 31/7, Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh sẽ rà soát hết các dự án xử lý chất thải, đồng thời có báo cáo nghiệm thu về bảo vệ môi trường để đến cuối năm 2017, tất cả các dự án bắt buộc phải có nghiệm thu về môi trường.
Được biết, trước đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam (chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, nguyên nhân là do Công ty này đã để xảy ra nhiều vi phạm như không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo cam kết; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra kênh…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()