tle=”TP Hồ Chí Minh nỗ lực vượt khó để trở lại mức tăng trưởng cao “> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Lắp ráp máy tính ở Công ty FPT trong khu công nghiệp Tân Bình.
Năm tháng đầu năm 2011 cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh đang tập trung nỗ lực vượt khó trong sản xuất, kinh doanh. Tuy vẫn còn bị tác động của suy thoái kinh tế thế giới khiến giá cả nhiều mặt hàng lên xuống bất thường, đầu ra cho hàng nông sản, công nghiệp vẫn còn bị ách tắc, kích cầu chưa đạt như mong muốn, nhưng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đều trở lại mức tăng trưởng cao.
Về kinh tế, năm tháng qua giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố ước đạt 250.752 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế nhà nước với nhiều doanh nghiệp (DN) của Trung ương và của TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng cao như Vinamilk, Việt Tiến, Phong Phú, may Sài Gòn 3, cáp và dây điện, da giày, nhựa, cao-su, cà-phê, sản phẩm điện tử, vi tính… Khu vực ngoài nhà nước tăng 15,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,8%.
Với thế mạnh về xuất nhập khẩu, TP Hồ Chí Minh vẫn là đầu mối tập trung xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm tháng đạt hơn 20 tỷ USD. Đáng chú ý là, trong tình hình rất khó khăn về đầu ra, nhưng nhờ tích cực kiềm chế nhập siêu, kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ, tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN sản xuất và xuất khẩu, mở rộng và tăng cường xúc tiến quảng bá hàng hóa Việt Nam giúp DN mở đầu ra, kim ngạch xuất khẩu năm tháng của thành phố đạt 10,234 tỷ USD. Trong đó, tháng 1-2011 còn nhập siêu 227 triệu USD, các tháng 2, 3, 4, 5 đều xuất siêu, thấp nhất là 14,3 triệu USD và cao nhất là 227 triệu USD. Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, châu Á và các nước trong khu vực: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a… ngày càng được chú ý và mở rộng. Kim ngạch nhập khẩu năm tháng là 9,96 tỷ USD, chủ yếu do giá tăng (giá nhiên liệu tăng 104,7%; nguyên, phụ liệu may tăng 20,1%; tơ và sợi dệt tăng 46,2%; phụ liệu giày dép tăng 18,6%), nhập khẩu từng bước được kiểm soát và có xu hướng chậm dần.
Cùng với xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chiếm hơn 25% cả nước, TP Hồ Chí Minh vừa là trung tâm sản xuất, phân phối, trung chuyển, vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước. Không chỉ cung cấp nguồn hàng cho hơn 10 triệu dân với sức tiêu thụ tăng 28% năm, TP Hồ Chí Minh còn là đầu mối bán sỉ cung ứng lượng hàng hóa rất lớn cho các địa phương, kể cả thị trường Cam-pu-chia và Lào.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm đối với cả nước và nhân dân thành phố, cùng với việc tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt công tác chăm lo an sinh xã hội. Một trong những phương thức để đạt được mục tiêu trên là thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Đây là một chủ trương đúng đắn sáng tạo của thành phố, thể hiện vai trò quản lý nhà nước trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, vừa bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, cung cấp hàng hóa có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý đã mang hiệu quả tích cực trong giai đoạn 2008-2010 và quý I-2011, góp phần đưa chỉ số CPI năm tháng và tháng 5 của thành phố có xu hướng tăng chậm lại, trong khi đó giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, doanh thu dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu đều cao hơn tháng 4-2011, tăng trưởng tín dụng được kiềm chế.
Chuyển động đáng kể của TP Hồ Chí Minh trong năm tháng qua còn là tập trung triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ đến tận DN và người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là việc phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn kiểm tra, hướng dẫn 16 ngân hàng thương mại xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2011, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 thấp hơn 20%. Thực hiện việc quản lý thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ, huy động và cho vay vốn từng bước theo đúng quy định của Nhà nước. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số ngân hàng 'xé rào' vượt trần lãi suất huy động, song cũng đã có ngân hàng chấn chỉnh lại việc huy động lãi suất, cố gắng giảm lãi suất đầu ra, giúp các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Công tác quản lý và điều hành ngân sách, thực hiện cắt giảm đầu tư công đang được điều hành chặt chẽ và hợp lý. TP Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh giảm, giãn tiến độ thực hiện và đình hoãn thực hiện một số dự án với tổng vốn cắt giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Tiến hành rà soát tiến độ để điều chuyển vốn cho các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2011, các dự án sử dụng vốn viện trợ nước ngoài, các dự án thiên tai cấp bách; đồng thời tiếp tục khai thông nguồn lực, cải cách hành chính, khuyến khích xã hội hóa bằng mời gọi các DN thuộc các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng trường học, công trình giao thông, y tế. Sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất theo Quyết định 09 cũng như thanh tra các DN khai lỗ, các DN giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá,… góp phần nâng nguồn thu ngân sách trên địa bàn đạt 48,2% dự toán, bằng 85.826,9 tỷ đồng. Tổng vốn huy động đầu tư đạt 31.496 tỷ đồng, giúp thành phố từng bước hoàn chỉnh, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ không những trong phạm vi địa bàn mà còn kết nối với vùng trọng điểm và vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng. Đưa vào sử dụng một số công trình có ý nghĩa dân sinh như hệ thống cấp nước sạch huyện Cần Giờ, công trình mở rộng đường rừng Sác, bốn khu vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi: Công viên Gia Định, Tao Đàn, công viên giải trí tại xã Bình Chánh, khu giải trí Phú Lâm. Đẩy nhanh tiến độ, hình thành và đưa vào sử dụng đường vành đai 2, Tân Sơn Nhất, Bình Lợi – Vành đai ngoài liên tỉnh lộ 25…
TP Hồ Chí Minh đã ban hành 11 chính sách nhằm khuyến khích các DN, nhất là các DN hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Trung tâm Phát triển và Đầu tư, ngoại thương TTFC tổ chức tám buổi tiếp xúc và tháo gỡ khó khăn cho DN theo từng ngành hàng. Triển khai các giải pháp hỗ trợ DN thuộc chương trình kích cầu đợt I là 158,169 tỷ đồng theo các phương thức hỗ trợ 50-100% lãi suất vay với thời hạn dài nhất không quá bảy năm, vốn vay không quá 100 tỷ đồng một dự án. Tổ chức 59 lớp đào tạo về hệ thống ISO 9001: 2008; SA 8000, HACCP; xây dựng nhãn hiệu cho chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Thực hiện chương trình bình ổn giá 400 tỷ đồng, đồng thời liên tục mời gọi, xúc tiến thương mại. Mở hàng chục hội chợ, triễn lãm hàng Việt Nam tại các nước khu vực cũng như hỗ trợ DN nhỏ và vừa tìm thị trường mới. Có giải pháp hướng DN tập trung khai thác thị trường trong nước cũng như thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'. Nhờ một loạt các chính sách hỗ trợ DN, cho nên dù giá cả thế giới và trong nước liên tục biến động, năm tháng đầu năm 2011 vẫn có 8.700 DN mới thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 59.016 tỷ đồng. Ngoài ra, có 14.173 DN đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh với tổng vốn bổ sung hơn 91.277 tỷ đồng.
Trong những năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội được Trung ương giao. Tuy nhiên, thành phố đang đứng trước một số vấn đề bức xúc, đó là ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính và cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội 2011, trong cuộc làm việc ngày 30-5, thành phố đã kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương một số vấn đề về cơ chế chính sách đầu tư và quản lý tài chính, điều hành ngân sách, tổ chức bộ máy và vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo thành phố và các bộ, ngành T.Ư, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ và chính quyền thành phố phát huy kết quả đạt được, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, phấn đấu năm 2011 tăng trưởng GDP hơn 12%, xuất khẩu tăng 9%, giải quyết việc làm cho hơn 265 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt hơn 60%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 3.130 USD.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá và triển khai các chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Cần rà soát các hoạt động của DN để đưa vốn vào những lĩnh vực, sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, thành phố cần tìm cách huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, trong đó chú ý tập trung khai thác, bán đấu giá số nhà đất đang quản lý.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ đồng ý với một số đề xuất của TP Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()