TP.Hồ Chí Minh nỗ lực giảm thiểu ùn tắc giao thông
Nhiều công trình, dự án giao thông được khởi công, nhiều biện pháp quyết liệt trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông được triển khai ngay từ đầu năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy cả hệ thống chính trị này đang nỗ lực nhằm thực hiện 1 trong 7 đột phá mà Thành phố đã đưa ra.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, năm 2017, TP.Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư thực hiện 80 dự án giao thông, với số tiền là 39.263 tỷ đồng. Trong tổng số 80 dự án thực hiện trong năm 2017, có 50 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách của Thành phố với số vốn 8.417 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương là 9.253 tỷ đồng; 3 dự án sử dụng vốn ODA là 9.440 tỷ đồng và 24 dự án được làm với hình thức hợp tác công tư (PPP) có số vốn trên 12 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, tình hình ùn tắc giao thông tại TP.Hồ Chí Minh hiện nay là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, gây thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho biết, một loạt các giải pháp cấp bách và lâu dài của Thành phố này trong việc giải quyết chống ùn tắc giao thông. Đó là, trước mắt, Thành phố sẽ lập website cung cấp bản đồ giao thông trực tuyến để khi thấy kẹt xe người dân có thể chọn lộ trình khác. Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu nhắn tin thông báo các điểm kẹt xe đến người dân và bố trí lệch ca, lệch giờ làm.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức giao thông theo khu vực, chấn chỉnh việc dừng, đỗ xe ở khu vực trung tâm Thành phố, phân luồng giao thông hợp lý. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 10/3, TP.Hồ Chí Minh ra quân tập trung giải quyết ùn tắc giao thông ở 37 điểm được cho là “nóng” nhất về giao thông của Thành phố. Song song với các giải pháp trên, TP.Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng nhiều dự án cầu vượt, hầm chui, di dời bến xe ra ngoại thành để giải bài toán kẹt xe, trong đó một số dự án đã được khởi công và gấp rút đưa vào hoạt động trong năm 2017.
Cụ thể, trong năm 2017, Thành phố ưu tiên tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, khởi công và hoàn thành các công trình chống ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm Thành phố và các cửa ngõ, các dự án phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm tải cho đường bộ.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2017, Sở Giao thông vận tải Thành phố phải giải quyết 34 công trình về hạ tầng trong chương trình giảm ùn tắc giao thông. Đó là các công trình như Bến xe miền Đông mới phải hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đó là hai cầu vượt ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hầm chui An Sương, nối Đại lộ Võ Văn Kiệt với cầu Nguyễn Văn Cừ, công trình hầm chui An Sương…, đây là những công trình cấp bách sẽ hoàn thành trong năm nay, giúp kéo giảm tình trạng kẹt xe các khu vực có mật độ cao, nhất là 2 cầu vượt ở điểm nóng ùn tắc Tân Sơn Nhất – được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép thực hiện theo lệnh khẩn cấp. Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng trong một cuộc họp gần đây cũng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Bến xe Miền Đông mới ngay trong năm nay và đầu tư mặt bằng Bến xe Miền Đông hiện hữu thành bến xe buýt của Thành phố. Các đơn vị thi công cũng khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành công trình này vào cuối năm nay.
Tương tự, Bến xe Miền Tây cũng sẽ được xây mới tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với diện tích 17ha, tổng kinh phí 900 tỷ đồng. Theo dự kiến, Bến xe Miền Tây mới có thể phục vụ 50.000 lượt hành khách/ngày và 2.500 lượt xe xuất bến/ngày. Hiện, Công ty Samco đã cùng các sở ngành lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đồ án xây dựng Bến xe Miền Tây mới. Đồng thời đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án này và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 4 năm nay. Công tác bồi thường giải tỏa mặt bằng cũng sẽ hoàn thành trong quý 3/2017.
Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh cũng đưa vào sử dụng những trang thiết bị hiện đại để theo dõi tình trạng giao thông và cảnh báo cho người tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, hay tại những khu vực đang có công trình giao thông thi công những sự cố xảy ra. Ví dụ như Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã tích hợp những hình ảnh từ camera vừa được gắn tại các công trình đang thi công vào bản đồ số giao thông thông minh Thành phố. Việc này nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình ùn tắc xung quanh công trình, chọn hướng đi thuận lợi. Theo đó, các camera online được đặt tại các điểm nóng kẹt xe ở khu vực thi công cầu Nhị Thiên Đường 1 (quận 8), khu vực xây nút giao thông Gò Mây (quận Bình Tân) trên Quốc lộ 1, khu vực xây hầm chui An Sương (quận 12, Hóc Môn) trên đường Trường Chinh – Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22. Khu vực xây các công trình chống kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất gồm cầu vượt Trường Sơn – Tân Sơn Nhất Bình Lợi – Vành đai ngoài (quận Tân Bình) và cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, Phú Nhuận).
Được biết, bản đồ số đã đưa vào sử dụng 300 camera online cung tấp tình hình giao thông ở TP.Hồ Chí Minh cũng như thông tin về phân luồng, điều chỉnh giao thông và các thông tin chuyên ngành khác để người dân chọn hướng đi lại thuận tiện. Đã có hàng trăm nghìn lượt người truy cập vào hệ thống nói trên, trong đó khoảng 100 nghìn lượt người truy cập từ điện thoại di động./..
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()