TP. Hồ Chí Minh nỗ lực chống ngập do mưa lớn và triều cường
Hiện TP.Hồ Chí Minh có 40 điểm ngập do mưa và 9 tuyến đường ngập do nước thủy triều. Trong đó, có 23 tuyến đường bị ngập khoảng 20cm sau những trận mưa chưa đến 50mm. Ngay trong những ngày mùa khô vừa qua, nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố này đã bị ngập sâu do mưa lớn trái mùa, gây khó khăn cho đời sông của người dân.
Để xử lý những điểm ngập trên địa bàn Thành phố trong năm 2017, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước của TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm đã đề xuất với Uỷ ban nhân dân Thành phố đầu tư 2.971 tỷ đồng cho công tác chống ngập trong năm 2017. Với số tiền này, TP.Hồ Chí Minh dành khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 51 dự án chống ngập, và 971 tỷ đồng sẽ dùng để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống chống ngập hiện hữu. Theo kế hoạch, trong năm 2017, TP.Hồ Chí Minh sẽ xóa được 12 điểm ngập do mưa.
Những năm qua, mỗi năm, TP.Hồ Chí Minh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác chống ngập nước. Chống ngập cũng là một trong bảy chương trình đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố này nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, giải pháp công nghệ được đặt lên hàng đầu. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, năm 2016, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra 135 trận mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10. Trong đó, có 29 trận mưa hơn 50 mm (tăng 45% so cùng kỳ năm 2015). Số trận mưa hơn 100 mm xuất hiện 6 lần với lượng mưa lớn nhất đạt trên 204 mm, xuất hiện nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm 2016, TP.Hồ Chí Minh đã có 46 ngày mưa gây ngập 76 tuyến đường trên địa bàn Thành phố, trong đó có 30 tuyến đường ngập do mưa; 46 tuyến đường ngập do mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống kết hợp triều cao.
Theo PGS, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, công tác chống ngập ở TP.Hồ Chí Minh cần ứng dụng một số giải pháp công nghệ của các nước tiên tiến, như làm cống đập kiểu sà-lan, làm cống ngăn triều theo công nghệ đập trụ đỡ hay áp dụng công nghệ mới không cần dẫn dòng thi công, không cần giải phóng mặt bằng. Ở một số khu vực đô thị mới, Thành phố có thể áp dụng công nghệ của Nhật Bản, cải tạo hệ thống thoát nước dưới lòng đất mà không cần đào đường.
Để giải quyết tình trạng ngập úng về lâu dài trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” do Tập đoàn Trung Nam Group làm chủ đầu tư, có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) đã được khởi công từ tháng 6/2016. Công trình nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho toàn vùng, với diện tích 570 km2, khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Dự án đang triển khai xây dựng sáu cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Ðịnh, cùng với đó là 25 cống nhỏ dưới đê và xây dựng 7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn.
Những năm qua, TP.Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện hoàn thành 4 dự án ODA chống ngập trọng điểm, 75 dự án nâng cấp xây mới hệ thống cấp thoát nước và 294 hạng mục công trình cấp bách để xóa bỏ các điểm ngập hiện hữu. Cùng với đó, Thành phố đã lắp đặt 1077 van triều, nạo vét 2898km cống các loại…Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, hiện TP.Hồ Chí Minh chỉ mới đầu tư những công trình quy mô nhỏ, không thể thoát nước nhanh trong trường hợp có mưa lớn. Với dự án chống ngập có xét đến biến đổi khí hậu, quy mô hiện lớn nhất, ứng dụng công nghệ đại nhất hiện nay sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Để việc chống ngập úng trên địa bàn Thành phố hiệu quả, Ban chấp hành Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về giảm ngập nước giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm Thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường Thành phố.
Theo đó, trong giai đoạn từ 2016 – 2018, Thành phố thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 8/17 tuyến đường. Trong đó: lưu vực trung tâm là 3 tuyến, lưu vực ngoại vi là 5 tuyến. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 13 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây. Đồng thời, thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm, và hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), để phục vụ kiểm soát triều cho lưu vực 550 km2, xóa ngập do triều 9 tuyến đường, gồm 2 tuyến đường bị ngập nặng là đường Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát và 7 tuyến đường bị ngập nhẹ là đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26. Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 03 nhà máy xử lý nước thải: Tham Lương – Bến Cát công suất 131.000m3/ngày, Nhiêu Lộc – Thị Nghè 480.000m3/ngày, Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày.
Tiếp đó, trong giai đoạn 2019 – 2020, Thành phố sẽ hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa 5/17 tuyến đường. Trong đó, lưu vực Trung tâm là 2 tuyến, lưu vực ngoại vi là 3 tuyến. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý triệt để 10 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây. Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 119/179 tuyến hẻm còn lại. Cùng với đó là hoàn thành toàn bộ dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), để giải quyết tình trạng ngập nước do triều lưu vực 550 km2. Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải, đó là Nhà máy Tân Hóa Lò Gốm công suất 300.000m3/ngày; Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (nhà máy xử lý nước thải Bình Tân) từ công suất 30.000m3/ngày lên công suất 180.000m3/ngày. Qua đây, nâng tổng số giải quyết được là 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây, 179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều, và có 7 nhà máy xử lý nước thải./..
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()