TP. Hồ Chí Minh: Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn tăng
Trao đổi với báo chí ngày 25/6, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, tổng quan thị trường lao động trên địa bàn Thành phố phát triển theo xu hướng hạn chế về số lượng, tăng yêu cầu chất lượng trình độ, tay nghề, kỹ năng.
Trao đổi với báo chí ngày 25/6, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, tổng quan thị trường lao động trên địa bàn Thành phố phát triển theo xu hướng hạn chế về số lượng, tăng yêu cầu chất lượng trình độ, tay nghề, kỹ năng.
6 tháng đầu năm 2013 nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng. (Ảnh minh họa: vieclam.nld.com.vn) |
Tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2013 tại Thành phố vẫn gặp nhiều hạn chế trong quá trình hồi phục và phát triển mặc dù nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Thị trường lao động tiếp tục có những nghịch lý cung – cầu và biến động, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng. Một số ngành mất cân đối cung – cầu lao động thấy rõ như: Kế toán, kiểm toán, hành chính văn phòng, ngân hàng…
Tình trạng dịch chuyển lao động giảm so năm 2012 (ở mức dưới 15%). Đa số các doanh nghiệp quan tâm thực hiện chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để ổn định nhân lực, đa số người lao động không muốn thay đổi chỗ làm việc trong thời điểm hiện nay. Tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông không còn phổ biến như những năm trước và giảm nhiều về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm việc làm thường xuyên là nhân lực có trình độ và tay nghề chuyên môn.
Nhu cầu nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2013 vẫn giữ mức tương đương so với 6 tháng đầu năm 2012. So sánh nhu cầu nhân lực của quý II với quý I năm 2013 thì tỷ lệ tăng khoảng 7%. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng năm 2013 không nhiều về số lượng, các doanh nghiệp từng bước sắp xếp, tuyển dụng lao động theo yêu cầu ổn định sản xuất kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập cũng cân nhắc chặt chẽ cơ cấu tuyển dụng lao động hợp lý.
Ông Trần Anh Tuấncho biết, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự, nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, kỹ thuật và các chức danh quản lý được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Cụ thể nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trên đại học, đại học (16,02%), cao đẳng (12,97), trung cấp (26,90%).
Trong khi đó, nguồn cung lao động phổ thông, trình độ sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ trọng (6.86%), lao động có trình độ trung cấp (13,84%), cao đẳng (25,86%), đại học và trên đại học(53,44%). Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực trong 6 tháng đầu năm lại khá nhiều sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhiều, tỷ lệ người tìm việc là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chiểm khoảng 60% so tổng nhu cầu tìm việc. Điều này tiếp tục tạo nghịch lý cung – cầu của thị trường lao động.
Ông Trần Anh Tuấncho biết, căn cứ vào chủ trương, các chính sách của Thành phố 2013 và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhu cầu nhân lực Thành phố trong 6 tháng cuối năm 2013 dự kiến 130.000 chỗ làm việc trống (quý III: 70.000, quý IV: 60.000 chỗ làm việc). Về cơ cấu nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn: Lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề là 45%, trình độ trung cấp là 30%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học là 25%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số ngành như: Marketing, nhân viên kinh doanh, bán hàng, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, cơ khí… Trong tổng số nhu cầu, tại các khu chế xuất – khu công nghiệp Thành phố có nhu cầu tuyển dụng 10.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như: Dệt may, giày da, cơ khí, công nghệ thực phẩm, nhựa, bao bì, điện tử…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()