TP.Hồ Chí Minh: Nhiều kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
Theo kết quả tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII của đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, cử tri TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương liên quan tới hoạt động của Quốc hội, việc phát triển kinh tế đất nước và vấn đề dân sinh.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội
Cử tri Thành phố đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Luật phải quy định chặt chẽ, khoa học phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Cử tri đề nghị việc lấy ý kiến người dân góp ý cho các Dự thảo Luật cần tiến hành rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia góp ý nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan phải giải quyết các kiến nghị sau giám sát và chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết của mình; tăng cường công tác giám sát tối cao các vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội; về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề về nợ công,… trong đó làm rõ trách nhiệm tập thể cá nhân người đứng đầu cơ quan tổ chức khi để xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, cử tri Thành phố cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, thường xuyên tiếp xúc ở cơ sở nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành hữu quan. Cử tri tiếp tục kiến nghị Quốc hội nên tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp và giữa các kỳ họp Quốc hội đồng thời có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với các Bộ, ngành chậm giải quyết các lời hứa trả lời chất vấn hoặc giải quyết không thỏa đáng; đề nghị Chính phủ cần có báo cáo trước Quốc hội về công tác thực thi chiến lược kinh tế biển; về tình hình Biển Đông và công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia tại kỳ họp lần này…
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Qua những buổi tiếp xúc giữa Đại biểu Quốc hội của Thành phố với cử tri trên địa bàn trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, người dân Thành phố cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư, giúp phát triển các ngành đầu tư theo đúng định hướng phát triển, góp phần phát triển nền kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, cử tri Thành phố cũng bày tỏ lo lắng về tình hình nợ công và bội chi ngân sách nhà nước, nợ xấu cao như hiện nay. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này đặc biệt cần kiểm tra, giám sát các trường hợp sử dụng nợ công lãng phí, không hiệu quả, xác định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm.
Đối với TP.Hồ Chí Minh, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương dành cho danh mục công trình trọng điểm mục tiêu quốc gia đối với các dự án thuộc Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh; phân cấp mạnh hơn cho Thành phố về thẩm quyền và trách nhiệm trong sử dụng các nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đô thị.
Cử tri kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế đặc biệt để huy động vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, hỗ trợ Thành phố trong công tác tìm nguồn vốn đầu tư, vận động ODA làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3a, tuyến số 3b, số 4, số 6), cho phép sử dụng nhiều loại hình đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ngoài ODA. Xem xét ban hành quy chế riêng cho việc quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác, vận hành hệ thống metro. Chính phủ xem xét phân cấp, tạo cơ chế tăng tính chủ động của TP. Hồ Chí Minh trong việc quyết định phê duyệt danh mục dự án và lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP theo hướng không phải trình Chính phủ đối với các dự án thực hiện trên địa bàn Thành phố, phù hợp với quy hoạch và không yêu cầu có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ Trung ương. Ngoài ra, trường hợp thu xếp được quỹ đất sạch để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng công trình BT, chấp thuận cho Thành phố không nhất thiết phải tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất mà giao cho nhà đầu tư xây dựng công trình BT dựa trên nguyên tắc ngang giá giữa giá trị quyền sử dụng của khu đất được giao và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình BT tại cùng một thời điểm đàm phán, ký kết hợp đồng BT. Bên cạnh đó, cử tri Thành phố cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương về một số nội dung khác: cơ chế chính sách đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi (giao thông tĩnh) trên địa bàn Thành phố; kiến nghị về một số chính sách thuế, phân bổ ngân sách, phát triển hạ tầng giao thông…
Giải quyết các vấn đề xã hội
Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ảnh tình trạng học thêm ở cấp mầm non, tiểu học còn xảy ra nhiều đồng thời phương pháp giảng dạy cũng như chương trình học chưa phù hợp. Cử tri đề nghị ngành giáo dục cần nghiên cứu kỹ các vấn đề này để có hướng giải quyết phù hợp với nền giáo dục nước ta hiện nay. Đề án cải cách giáo dục phải được tiến hành chặt chẽ nhằm đạt hiệu quả và tiết kiệm ngân sách của nhà nước tránh lãng phí. Vấn đề học phí còn nhiều bất cập hiện nay đã được nhiều cử tri phản ánh và qua đó cử tri đề nghị các Bộ, ngành chức năng cần quan tâm điều chỉnh mức học phí phù hợp đối với các cấp học đặc biệt để giảm bớt khó khăn cho các gia đình nghèo, hạn chế tình trạng bỏ học đối với học sinh, sinh viên.
Đối với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia phục vụ xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cử tri TP.Hồ Chí Minh tán thành với quyết định này, tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đảm bảo công khai, chất lượng và có các tiêu chí cụ thể trong việc xét tốt nghiệp PTTH, xét tuyển đại học.
Trong lĩnh vực y tế, cử tri đề nghị ngành y tế cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu… đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo phân tuyến bệnh nhân, giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.
Cử tri cũng đề nghị ngành y tế cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ y tế dự phòng; tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho bệnh viện tuyến cơ sở để phát huy hiệu quả khám chữa bệnh, giảm bệnh nhân đổ dồn về tuyến cuối gây quá tải; nâng cao chất lượng phục vụ của bảo hiểm y tế. Đặc biệt, cử tri Thành phố đề nghị Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt các vi phạm về giá thuốc và chất lượng thuốc nhằm ổn định giá thuốc. Bên cạnh đó, cần xem lại giá viện phí phù hợp để đảm bảo thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về phát triển nhà ở xã hội, cử tri Thành phố đề nghị ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở 3% năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với thời gian cho vay là 15 năm. Kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lên đến 60 tháng kể từ ngày Thông tư số 11/2013/TT-NHNN có hiệu lực thi hành (thay vì 36 tháng như quy định hiện nay).
Tiếp tục cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đa số các doanh nghiệp có dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đều gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, việc xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi doanh nghiệp vay vốn mới để triển khai nhà ở xã hội sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, kiến nghị cho phép các doanh nghiệp này nếu có phương án tính toán hiệu quả, đảm bảo thu hồi được nợ thì không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi vay vốn mới để triển khai dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chính sách đối với các đối tượng người có công với cách mạng … nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Theo CPV
Ý kiến ()