TP.Hồ Chí Minh: Người tiêu dùng trong nước tin tưởng lựa chọn hàng Việt
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, hàng hóa sản xuất trong nước đã thật sự chiếm lĩnh được thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về cả chất lượng lẫn mẫu mã, giá thành sản phẩm. Kết quả này cho thấy hướng đi đúng đắn với việc triển khai những chương trình, giải pháp phù hợp của Thành phố nhằm tôn vinh hàng Việt, đưa hàng Việt tới gần hơn với người Việt.
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
Năm 2013, chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Thành phố với năm nhóm giải pháp (thông tin, tuyên truyền, vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; triển khai chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường) ngày càng phát huy hiệu quả. Kết quả trong một đợt khảo sát của Sở Công thương Thành phố trong năm 2013 tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích… về thị phần hàng Việt cho thấy tỷ lệ hàng Việt đạt bình quân gần 90%. Đặc biệt có nhiều mặt hàng đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường nội địa như lương thực, thực phẩm chế biến…
Các sản phẩm sản xuất trong nước ngày càng đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng và cạnh tranh về giá thành (ảnh:VL) |
Cùng với đó, lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp các địa bàn, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, các quận ven, huyện ngoại thành… đã được triển khai sâu rộng. Với việc phân phối rộng khắp, giúp người dân tiếp cận được thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Để khẳng định được vị thế của mình, các doanh nghiệp trong nước đã ngày càng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố công nghệ, chất lượng sản phẩm, không ngừng phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế cũng đã thấy, năm 2013 là một năm đầy khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp khi mà bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới nói chung chưa được cải thiện. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, TP.Hồ Chí Minh cũng đã triển khai đồng bộ nhiều cách làm mới như thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển; tổ chức chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành; chương trình kết nối sản xuất và phân phối hàng nông sản…
Như vậy, đánh giá chung lại có thể thấy, để hàng Việt thật sự phát triển bền vững, để người tiêu dùng trong nước tin tưởng và chọn lựa những sản phẩm được sản xuất trong nước thì cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ từ phía Thành phố, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và đặc biệt là nhận thức của người dân trong việc mua sắm tiêu dùng.
Tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn thị trường
Năm 2014 là năm thứ 5 triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” , trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những tồn tại, năm nay TP . Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân để C uộc vận động đi vào chiều sâu, tạo sự đồng thuận xã hội, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng cho người Việt.
Để đạt được mục tiêu, Thành phố sẽ triển khai t hực hiện nhiều chương trình, nội dung trong đó đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường, tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng gian, hàng giả để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp , sản phẩm sản xuất trong nước; tiếp tục thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh …
Riêng đối với chương trình bình ổn thị trường, t iếp nối những thành công từ những năm trước, trong năm 2014, TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các Chương trình bình ổn thị trường nhằm bảo đảm ổn định thị trường giá cả, không để tăng giá đột biến, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Với việc triển khai chương trình này, hàng hóa trong nước có thêm nhiều cơ hội tới tay người tiêu dùng.
T rong năm 2014, các nhóm giải pháp của chương trình hành động tiếp tục được triển khai theo hướng đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, như : thông tin, tuyên truyền, vận động cho các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá trị gia tăng; nâng cao vai trò của các cơ quan, đoàn thể, các hiệp hội trong chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình nhánh, đặc biệt là tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, Thành phố sẽ phát triển điểm bán hàng bình ổn nhằm phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng và hạn chế, xử lý nhanh các điểm tăng giá đột biến .
Theo báo cáo của UBND TP .Hồ Chí Minh , trong năm 2013, T hành phố đã thực hiện 4 Chương trình bình ổn thị trường theo hướng mở rộng quy mô thực hiện, đi vào chiều sâu, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tính đến tháng 12/2013, tổng số điểm bán của bốn chương trình bình ổn thị trường triển khai trên địa bàn TP là 7.665 điểm (tăng 732 điểm bán so với tháng 4/2013 khi bắt đầu chương trình năm 2013 – 2014; tăng 4.450 điểm bán so với năm 2011 khi bắt đầu triển khai đồng loạt 4 chương trình bình ổn ).
Cũng theo đánh giá của UBND Thành phố, h àng hóa tham gia Chương trình bình ổn thị trường với lượng cung dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả theo giá đã đăng ký; qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()