TP.Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt chẽ nhóm giữ trẻ tự phát
Trước thực trạng nhiều điểm giữ trẻ tự phát không bảo đảm an toàn song lại ngang nhiên hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là sau các vụ trẻ em bị đánh đập, thậm chí tử vong, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hồ Chí Minh khóa VIII đang diễn ra, đại biểu đã đặt vấn đề, thành phố sẽ làm gì để kiểm soát, quản lý đối với những điểm trông giữ trẻ này,như bảo đảm an toàn cho trẻ em?
Trước thực trạng nhiều điểm giữ trẻ tự phát không bảo đảm an toàn song lại ngang nhiên hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là sau các vụ trẻ em bị đánh đập, thậm chí tử vong, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hồ Chí Minh khóa VIII đang diễn ra, đại biểu đã đặt vấn đề, thành phố sẽ làm gì để kiểm soát, quản lý đối với những điểm trông giữ trẻ này,như bảo đảm an toàn cho trẻ em?
Những điểm giữ trẻ tự phát khá nhiều ở TP.Hồ Chí Minh |
TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ tăng dân số khá nhanh, trong đó có một lượng lớn người dân từ các tỉnh khác chuyển tới làm ăn sinh sống. Việc tăng dân số nhanh đã kéo theo nhu cầu về trường lớp cho trẻ em, trong đó đặc biệt là các trường mầm non, nhóm giữ trẻ.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, trong vòng 5 năm trở lại đây, nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình tại TP.Hồ Chí Minh tăng nhanh chóng. Hiện tại, trên toàn thành phố có 870 trường mầm non được cấp phép, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Nhóm trẻ gia đình hiện nay là 1.248 lớp, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008.
Tuy nhiên, số lượng trường mầm non, nhóm trẻ gia đình được cấp phép vẫn không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình. Hơn nữa, những hộ gia đình là người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không đủ điều kiện để gửi con ở những trường mầm non công lập hoặc tư thục đạt chất lượng, vì vậy buộc phải gửi ở những điểm trông giữ tự phát.
Ông Sơn cho biết, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở trông giữ trẻ. Vừa qua, Sở cũng đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các trường mầm non, các cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn thành phố và từ nay tới giữa tháng 1/2014, Sở sẽ tiến hành tái kiểm tra những nhóm lớp, nhà trẻ có dấu hiệu vi phạm và nếu không khắc phục sẽ cho ngừng hoạt động. Đây là một trong những quan điểm cương quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Bên cạnh đó, để có thể quản lý các điểm trông giữ trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đề xuất việc cấp phép sẽ giao cho Chủ tịch UBND các phường, xã; còn các khu trọ có nhóm trẻ gia đình phải báo cáo với chính quyền địa phương để theo dõi, kiểm tra. Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với địa phương dễ dàng kiểm tra và quyết định có cho phép hoạt động hay không.
Ông Sơn cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên gửi con ở những điểm trông giữ trẻ tự phát để bảo đảm an toàn cho trẻ, bởi những người giữ trẻ này không có bằng cấp sư phạm.
Thêm đó, ông Lê Hồng Sơn kiến nghị, để giảm áp lực cho các trường mầm non trong thành phố và đáp ứng nhu cầu của các gia đình công nhân, TP.Hồ Chí Minh cần quy định các khu công nghiệp, khu chế xuất phải dành tối thiểu 5.000m 2quỹ đất để xây dựng trường mầm non, nhà trẻ. Ngoài ra, các doanh nghiệp có số lượng công nhân đông cũng nên có quỹ đất cho việc xây dựng nhà trẻ.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()