TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tiếp tục đà tăng giá
Tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ mặt hàng xăng dầu, mà nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dụng.
Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy người dân đang không ngừng nỗ lực vượt qua “bão giá” và cân đối lại chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, trong điều kiện đời sống kinh tế-xã hội chỉ mới phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19 mà nhiều mặt hàng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tiếp tục đà tăng giá gây biến động thị trường và tạo ra thách thức lớn cho rất nhiều gia đình hiện nay.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Hải Triều, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hiện đang ở căn hộ chung cư nên không phải chi phí cho tiền thuê chỗ ở nhưng dù tiết kiệm thì cũng phải đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Từ khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, gia đình đã chuyển sang di chuyển bằng xe đạp trong một số việc như đi chợ, siêu thị gần nhà…
“Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, giá xăng đã tăng vượt hơn 32.000 đồng/lít nên gia đình phải tính toán lại phương án chi tiêu trong đời sống hàng ngày cho thời gian tới. Đồng thời, không phải chi phí cho tiền thuê chỗ ở nhưng nhà đang ở lại xa chỗ làm nên chi phí xăng dầu gia tăng trong di chuyển hàng ngày ngay lập tức bị tăng theo giá cả thị trường,” anh Hải Triều chia sẻ thêm.
Trong khi đó, gia đình chị Ái Vân, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định chuyển nhà từ huyện Bình Chánh về quận 4 để kéo gần khoảng cách di chuyển trước bối cảnh xăng dầu tăng giá và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Nếu lúc trước từ nhà vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và chỗ làm mất 90 phút đi và về là tổng cộng 180 phút nên không thể đưa đón các con đi học và chăm lo gia đình.
Vừa mới hôm qua (từ 15 giờ ngày 13/6/2022), khi thông tin mặt hàng xăng dầu được công bố điều chỉnh tăng giá thì tất cả chuỗi cửa hàng bán lẻ đã niêm yết mặt bằng giá mới.
Cụ thể, mặt hàng xăng tăng 800-880 đồng/lít, trong khi mặt hàng dầu tăng hơn 2.000 đồng/lít đã ngay lập tức gây áp lực lên bình xăng của hầu hết người dân.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương-Tài chính, giá mặt hàng xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới và đến tay người tiêu dùng với mặt hàng xăng E5 RON 92 có giá bán lẻ là 31.110 đồng/lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng/lít lên mức 32.370 đồng/lít. Một số mặt hàng như dầu hoả tăng lên mức giá 27.830 đồng/lít; dầu diesel tăng lên 29.020 đồng/lít; riêng dầu mazut giảm 550 đồng/lít, còn 20.350 đồng.
Tính từ ngày 21/4/2022 đến nay, đây là lần thứ sáu liên tiếp mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng giá.
Tổng cộng mặt hàng xăng RON 95-III tăng thêm 5.060 đồng/lít, còn E5 RON 92 tăng thêm 4.640 đồng/lít.
Không chỉ mặt hàng xăng dầu, mà nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dụng.
Điển hình, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã có chấp thuận đề xuất tăng giá trứng gia cầm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ chính thức áp dụng từng ngày 15/6/2022.
Trong số đó, giá sản phẩm trứng gà loại 1, có giá bán lẻ hiện hành 29.500 đồng/10 quả/vỉ lên 31.500 đồng/10 quả/vỉ, tăng 6,78%; sản phẩm trứng gà loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 17.700 đồng/6 quả/vỉ lên 18.900 đồng/6 quả/vỉ, tăng 6,78%.
Còn sản phẩm trứng vịt loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 35.000 đồng/10 quả/vỉ lên 37.000 đồng/10 quả/vỉ, tăng 5,71%; trứng vịt loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 21.000 đồng/6 quả/vỉ lên 22.200 đồng/6 quả/vỉ, tăng 5,71%.
Hiện tại, sản phẩm trứng gia cầm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được cung ứng bởi Công ty cổ phần Ba Huân, HN-PT Đông Hưng, Vĩnh Thành Đạt, C.P Việt nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh…
Ngoài giá bán các mặt hàng nêu trên tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp tham gia chương trình được quyền chủ động thực hiện khuyến mãi, giảm giá phù hợp với tình hình thực tế thị trường và chiến lược kinh doanh của công ty.
Khảo sát thực tế trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua duy trì ở mức thấp trong thời gian qua, do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Với bối cảnh giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tục đã có những tác động nhất định và kéo theo giá nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Phân tích cụ thể, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn về sức mua, không đơn vị nào muốn tăng giá thành sản phẩm, nhưng cho phí nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng bắt buộc phải cơ cấu lại mặt bằng giá cả. Bên cạnh đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ với đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ cho sản xuất, vận chuyển, phân phối, bán lẻ…
Để đồng hành cùng doanh nghiệp và chia sẻ thách thức trong mua sắm, tiêu dùng với người dân, từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2022, ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng đơn vị liên ngành tổ chức Chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm trên địa bàn Thành phố năm 2022 (đợt 1), chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2022.”
Đồng thời, kết hợp tổ chức sự kiện hội chợ Khuyến mại “Shopping Season,” từ ngày 28/6 đến ngày 3/7/2022 nhằm trưng bày, mua bán sản phẩm từ các doanh nghiệp có thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, với dự kiến mức khuyến mại từ 30-100%.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công thương thành phố vận động doanh nghiệp tham gia và xác định đây là cơ hội tạo sự cộng hưởng, lan tỏa hoạt động khuyến mại đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Tính đến thời điểm này, Ban tổ chức ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã đăng ký tham gia chương trình, giảm giá đến 70-80%, giá trị hàng hóa khuyến mại lên đến 100% (mua 1 tặng 1) với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.
Về đối tượng tham gia Chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm trên địa bàn Thành phố năm 2022 (đợt 1) cũng đa dạng hơn vì ngoài trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ, chuỗi cửa hàng tiện lợi… còn có đa dạng sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee; doanh nghiệp sản xuất và tiểu thương hơn 200 chợ truyền thống tham gia khuyến mại.
Cùng với đó, các đơn vị lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách… cũng sẽ góp mặt với những hoạt động khuyến mại phong phú và nhiều ưu đãi./.
Ý kiến ()