TP. Hồ Chí Minh: Gian nan "bài toán" chống ngập
Việc khắc phục các điểm ngập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dù đã có những bước tiến triển trong thời gian qua, song kết quả vẫn chưa bền vững, đặc biệt khả năng tái ngập cao khi xuất hiện mưa kết hợp với triều cường.
Từ đầu năm đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cơ bản 10 dự án chuyển tiếp về chống ngập. Một số công trình đã được đưa vào sử dụng, bảo đảm khả năng thoát nước, chống ngập úng cho lưu vực như: dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Trần Hưng Đạo, Quận 5 (từ đường Châu Văn Liêm đến đường Học Lạc), hệ thống thoát nước đường Tân Hòa Đông (từ An Dương Vương đến vòng xoay Phú Lâm)… Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã triển khai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã nạo vét 383,337km cống thoát nước; duy tu nạo vét 35 tuyến kênh rạch và cửa xả với chiều dài 11 km; nạo vét 9.467 hầm ga, 26.388 máng hầm ga; sửa chữa 1.841 hầm ga, thay 2.272 nắp hầm ga; thay 238m cống sụp; sửa chữa mở rộng 1.101 miệng thu nước…
Tình trạng ngập thường xuyên xảy ra ở nhiều con đường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vào mùa mưa, nhất là khi kết hợp với triều cường lên cao. (Ảnh: laodong.vn) |
Tuy nhiên, trên thực tế, số điểm ngập trong mùa mưa này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Theo UBND Thành phố, tính từ đầu năm 2014, Thành phố mới chỉ xử lý cơ bản 1 điểm ngập (Tỉnh lộ 43, quận Thủ đức). 5 điểm còn lại đã đăng ký xóa giảm ngập năm 2014 gồm: đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9); Quốc lộ 1A; đường Nguyễn Văn Quá (quận 12); đường Quang Trung (quận Gò Vấp); đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hiện vẫn đang tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện.
Ngoài ra, trong mùa mưa này cũng xuất hiện tái ngập tại 22 điểm do ảnh hưởng dẫn dòng thi công dự án, do mưa vượt tần suất thiết kế cống. Tính đến tháng 9/2014, Thành phố vẫn còn 2 điểm ngập nặng do triều cường là đường Lương Định Của (Quận 2) và đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7). Ngoài ra, có 5 điểm ngập nhẹ.
Trong khi đó, từ nay tới cuối năm, Thành phố phải đối mặt với những đợt triều cường lớn. Năm 2013, Thành phố đã có đợt triều cường lịch sử vào tháng 10, với mức triều đạt đỉnh là 1,68 m. Đây là đỉnh triều cường lớn nhất trong suốt 61 năm qua tại TP.Hồ Chí Minh khiến nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố ngập nặng.
UBND Thành phố cho rằng, chỉ tiêu giảm điểm ngập trong năm nay có thể hoàn thành, tuy nhiên trên thực tế, vấn đề này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Sơ kết chương trình giảm ngập nước cho giai đoạn 4 năm (2011 – 2015) của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố cũng đã nhìn nhận, Thành phố còn thiếu đến trên 2.500 km đường cống thoát nước để ứng phó với mưa và triều cường. Báo cáo cũng chỉ ra, tiến độ cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước của Thành phố hiện đạt khoảng 60% quy hoạch tổng thể.
Để giải quyết vấn đề ngập úng trên địa bàn Thành phố, trước mắt, nhiệm vụ mà UBND Thành phố đưa ra là tiếp tục phát huy hiệu quả các biện pháp xử lý cấp bách, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập trong khi chờ các công trình, dự án lớn phát huy tác dụng; ngăn chặn phát sinh điểm ngập mới; đảm bảo vận hành ổn định các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải; ứng cứu kịp thời khi gặp tổ hợp bất lợi mưa vượt tần suất cùng lúc thủy triều dâng cao.
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, để TP. Hồ Chí Minh thích ứng với biến đổi khí hậu và hiện tượng ngập úng thì bên cạnh việc tập trung nạo vét, khơi thông các kênh rạch, Thành phố cần xem xét tới việc xây dựng các hồ điều tiết.
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh đã trình UBND Thành phố dự án xây dựng hồ điều tiết chống ngập tại các quận 4, Thủ Đức và Tân Phú. Các hồ sẽ có tác dụng trữ nước, điều tiết lưu lượng nước chảy tràn vào hệ thống thoát nước khi xảy ra những trận mưa lớn, vượt tần suất thiết kế trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Theo Ban điều phối Chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết, lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu mét khối, giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho Thành phố. Dự kiến, TP.Hồ Chí Minh sẽ xây dựng khoảng 30 hồ điều tiết nước quy mô lớn ở khu vực ngoại thành, trong khi ở khu vực nội thành chỉ xây dựng các hồ quy mô nhỏ. Đây cũng là giải pháp mềm đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện khi nó đạt được hai tiêu chí lớn nhất là thoát nước an toàn và giữ ổn định cho môi trường sinh thái.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()