TP Hồ Chí Minh gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội
Những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh để lại những dấu ấn đáng nhớ, góp phần làm cho thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.Kinh tế tăng trưởng caoSau năm năm triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Về công nghiệp, chỉ tính riêng tỷ trọng giá trị sản xuất bốn ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố gồm: cơ khí, hóa chất, nhựa - cao-su; điện tử - công nghệ thông tin và chế biến tinh lương thực, thực phẩm đều tăng dần qua từng năm. Năm 2005 chiếm 55,4% tổng giá trị của ngành công nghiệp, năm 2010 tăng lên 60%. Ngành nông nghiệp, tuy chiếm 1,2% GDP của thành phố, nhưng cũng có bước chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả, bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học đã hình thành các vùng chuyên canh trồng rau sạch, chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, tập trung ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và đang hướng tới sản xuất...
Kinh tế tăng trưởng cao
Sau năm năm triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Về công nghiệp, chỉ tính riêng tỷ trọng giá trị sản xuất bốn ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố gồm: cơ khí, hóa chất, nhựa – cao-su; điện tử – công nghệ thông tin và chế biến tinh lương thực, thực phẩm đều tăng dần qua từng năm. Năm 2005 chiếm 55,4% tổng giá trị của ngành công nghiệp, năm 2010 tăng lên 60%. Ngành nông nghiệp, tuy chiếm 1,2% GDP của thành phố, nhưng cũng có bước chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả, bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học đã hình thành các vùng chuyên canh trồng rau sạch, chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, tập trung ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và đang hướng tới sản xuất giống cây, con, và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2010, doanh thu từ nông nghiệp đạt bình quân gần 150 triệu đồng/ha, không ít hộ nông dân trồng hoa lan, cây cảnh đạt 500 triệu đồng/ha. Bộ mặt nông thôn ngoại thành đang thay đổi từng ngày. Khoảng cách giàu nghèo giữa nội thành và ngoại thành ngày càng thu hẹp. Ngày nay, đời sống vật chất, tinh thần nông dân ngoại thành không thua kém bao nhiêu so với người dân nội thành.
Năm năm qua, TP Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực dồn sức thực hiện 12 chương trình, công trình trọng điểm và năm chương trình mang tính đòn bẩy do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 8 đề ra. Đến nay, nhiều công trình, chương trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng tích cực, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố. Đó là các công trình: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố, hoàn thành nút giao thông Cát Lái, quận 2, nút giao thông khu A, đô thị mới Phú Mỹ Hưng, thông xe cầu Bình Triệu 2, cầu Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn, góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía bắc và tây bắc thành phố. Ngược về phía đông, cách trung tâm thành phố 10 km, cầu Phú Mỹ dài hơn 2.000 m (kể cả đường dẫn) sừng sững vượt sông Sài Gòn, nối quận 7 với quận 2. Cây cầu này là điểm nhấn nối các trục đường vành đai 2, liên tỉnh lộ 25B… Giờ đây các phương tiện giao thông từ các tỉnh miền bắc, miền trung xuôi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không phải xếp hàng đi qua thành phố gây ùn tắc giao thông như trước kia. Cuối tháng 11-2010, đường hầm Thủ Thiêm hiện đại nhất Đông – Nam Á, đi ngầm qua sông Sài Gòn, thuộc dự án đại lộ Đông – Tây sau hai năm thi công đã chính thức hợp long, nối thông toàn bộ tuyến đường 22 km từ đông sang tây thành phố. Cũng trong nhiệm kỳ 2006 – 2010, hàng loạt công trình cầu đường trong nội thành và ở ngoại thành được nâng cấp, xây mới đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông thành phố.
Nhiều khu đô thị mới Nam Sài Gòn (quận 7), Thủ Thiêm (quận 2), Tây Bắc (Củ Chi), Hiệp Phước (Nhà Bè), An Phú Hưng (Hóc Môn)… được hình thành từ những nhiệm kỳ trước, bước sang nhiệm kỳ 2006 – 2010 cũng được thành phố từng bước đầu tư xây dựng nay đã rõ hình hài, tạo nên vóc dáng, bộ mặt của thành phố hôm nay thêm hiện đại, văn minh.
Bảo đảm an sinh xã hội
Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm coi an sinh xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là mối quan tâm hằng ngày của các cấp ủy đảng, chính quyền, thành phố. TP Hồ Chí Minh hiện có gần 7,5 triệu người cộng với gần hai triệu người tạm trú và hàng chục nghìn khách vãng lai. Lo chỗ ở, cái ăn, nơi học tập và làm việc… cho người dân là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, năm năm qua, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp chăm lo đời sống người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có công với nước. Nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động. Trong đó, hơn 70% số lao động có việc làm mới. Gần 90% số công nhân nghỉ việc, mất việc cuối năm 2007 và năm 2008 do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, nay đã có việc làm mới.
Thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, thành phố đã đề ra những chính sách, cơ chế phù hợp, có lợi nhất và tạo điều kiện thuận lợi để người dân sớm có chỗ ở mới an cư lạc nghiệp, nhất là các hộ phải giải tỏa, di dời để xây dựng công trình mới. Nghị quyết của Đảng bộ thành phố nêu rõ: Chỗ ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn chỗ ở cũ. Thành phố đã dành hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng nghìn ha đất ở các quận, huyện nội, ngoại thành xây dựng hàng trăm khu chung cư, nhà ở cho nhân dân. Đến nay, tổng diện tích (sàn) nhà ở đạt gần 33,5 triệu m2, vượt 4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 8 đề ra về Chương trình nhà ở giai đoạn 2006 – 2010. Bình quân mỗi năm thành phố có thêm 6,6 triệu m2 nhà ở. Chỉ riêng chương trình 30 nghìn căn hộ tái định cư, từ năm 2006 đến nay thành phố đã hoàn thành 88/132 tổng số dự án tái định cư với hơn 16 nghìn căn hộ, nền đất với tổng giá trị hơn 6.386 tỷ đồng. Thành phố cũng đã xây dựng xong 8.263 nhà ở xã hội (tương đương 1 triệu 240 nghìn m2). Nhà lưu trú cho công nhân cũng đạt 1 triệu 360 nghìn m2, cung cấp gần 433 nghìn chỗ ở cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung tại thành phố.
Thực hiện xã hội hóa nhà ở cho công nhân, trong tổng số diện tích nhà đã đưa vào sử dụng, ngân sách thành phố và các doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng gần 137 nghìn 400 m2 (18.800 chỗ ở), phần lớn diện tích nhà còn lại là do các thành phần kinh tế khu vực ngoài nhà nước và nhân dân tham gia xây dựng. Tết Tân Mão này, sẽ có thêm hàng nghìn gia đình sum họp, tổ chức đón Xuân trong những căn hộ mới.
Một thành tựu nổi bật và mang đậm tính nhân văn của thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua là xóa đói, giảm nghèo. Thành phố luôn tự hào là nơi khởi xướng, đi đầu và làm tốt phong trào này từ những năm cuối của thế kỷ trước. Bằng nhiều hình thức và cách làm sáng tạo, hiệu quả, vận động cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, năm 2008, thành phố đã hoàn thành chương trình xóa đói, giảm nghèo (giai đoạn 2) với tiêu chí thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/năm và bắt đầu triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá (giai đoạn 3) với chuẩn mới là 12 triệu đồng/người/năm. Tính đến cuối năm 2010 – năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2006 – 2010 đã có hơn 15 nghìn hộ vượt qua chuẩn nghèo mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,26% tổng số hộ dân. Năm 2010, chỉ riêng xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh đã có 325 hộ vượt nghèo giai đoạn 3, trong đó có hơn 100 hộ thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/ năm. Nhiều hộ được vay vốn, hướng dẫn cách làm, chăm chỉ, tiết kiệm, không những thoát nghèo, còn trở nên khá và giàu.
Bước sang năm 2011 – năm đầu của nhiệm kỳ năm năm (2011 – 2015) thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 9 Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tự tin, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra, tiếp tục truyền thống 'cùng cả nước, vì cả nước', 'đi trước, về đích trước', mãi mãi xứng đáng là thành phố Anh hùng – thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()