TP Hồ Chí Minh đề xuất Quốc hội ra Nghị quyết về cai nghiện bắt buộc
Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 ngày 30-10, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm dành phần lớn thời gian đề cập về những bất cập trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc hiện nay và đề xuất Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này trong kỳ họp thứ 8 cũng như cho TP Hồ Chí Minh thực hiện một cơ chế riêng.
TP Hồ Chí Minh cần cơ chế thí điểm để phát hiện và cai nghiện
“Hiện nay số lượng người nghiện đang gia tăng trong cộng đồng xã hội. Cả nước có trên 200 nghìn người nghiện đang sống trong cộng đồng, chỉ riêng ở TP.HCM là 19 nghìn người.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc chúng ta đưa người nghiện vào những trung tâm cai nghiện bắt buộc đang rất khó khăn. Việc xử lý vấn đề này đang rất bất cập nhưng trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới.
Bà Quyết Tâm cho biết, trước tình hình đó, để giải quyết vấn đề này, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh đã lắng nghe ý kiến của nhân dân thành phố, các đồng chí lãnh đạo thành phố và đã có văn bản gửi đến đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội.
“Hôm nay tôi phát biểu vấn đề này mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ, chúng ta cần phải có một hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề này”, bà Tâm nói.
Cũng theo bà Quyết Tâm, Luật Xử lý VPHC năm 2012 có hiệu lực từ 1-1-2014, nhưng để triển khai đưa luật này vào thực tiễn còn rất nhiều vấn đề bất cập, thiếu nhiều văn bản hướng dẫn.
Số người nghiện hiện nay còn rất đông trong cộng đồng, và một khi người nghiện thiếu thuốc thì có những hành vi rất khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội mà người dân đang rất quan tâm, rất bức xúc.
Để giải quyết vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội cần xem xét nghiên cứu và cho phép một số giải pháp tình thế với công tác cai nghiệp của TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác có điều kiện.
Theo bà Tâm, đại biểu TP Hồ Chí Minh mong Quốc hội cân nhắc có một nghị quyết, vì chỉ có Nghị quyết của Quốc hội mới có thể cho phép tháo gỡ những vấn đề mà luật pháp còn đang vướng mắc.
Bà Quyết Tâm đề xuất, Nghị quyết cần nêu các vấn đề: Một là cho phép một số đơn vị, hoặc TP Hồ Chí Minh thí điểm giải quyết một số khó khăn trực tiếp test để phát hiện người nghiện có dương tính với ma túy và đưa vào trung tâm cai nghiện để cắt cơn. Sau đó dùng các biện pháp để giải độc cho cơ thể người nghiện và tư vấn về tâm lý trong khi chờ làm các thủ tục. Hiện tại, quan chức năng, để hoàn thành các thủ tục đó đưa sang tòa án có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc phải mất cả một năm.
Một năm con nghiện ở ngoài xã hội gây ra biết bao hệ lụy. Nếu thực hiện vấn đề này sẽ có lợi cho người nghiện, họ được sống trong một môi trường an toàn, tránh xa những cám dỗ mà người nghiện rất khó kiểm soát. Đây là việc làm cần thiết, nhân đạo, có trách nhiệm xã hội đối với người nghiện, gia đình người nghiện và những người khác trong xã hội.
“Kính mong Quốc hội xem xét vấn đề này một cách hết sức có trách nhiệm và nghiêm túc để có một nghị quyết về vấn đề này, ngay trong kỳ họp này” bà Tâm đề nghị.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: “Nên ủng hộ đề xuất của TP Hồ Chí Minh”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nêntrả lời phỏng vấn báo chí ngày 30-10.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất của TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, những bức xúc về vấn đề cai nghiện ma túy mà TP Hồ Chí Minh nói là có lý, đề án của thành phố đang được nghiên cứu để đề xuất.
“Có lẽ nên ủng hộ TP Hồ Chí Minh thí điểm để có những cách làm giải quyết cấp bách tình hình người nghiện ma túy đang tăng cao. Bảo vệ quyền con người là đúng, nhưng chúng ta đưa họ sớm vào nơi cai nghiện cũng là một cách bảo vệ.”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.
Trước đây, chúng ta xem những người nghiện như là tệ nạn, bây giờ nhìn họ bao dung hơn để họ vượt qua. Bộ phận rất lớn trong người nghiện không có chỗ dựa, cần có tổ chức xã hội. Nhưng thủ tục như hiện nay là không kịp. Vì vậy nên ủng hộ đề án của TP Hồ Chí Minh.
Khi ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì mình tính xa, vì khi hội nhập thì người ta đòi hỏi mình nhiều vấn đề về quyền con người. Tôn trọng thì đúng rồi nhưng khi người nghiện không vượt qua được thì mình phải giúp đỡ họ.
Quan điểm chung của Chính phủ là phải chấp hành pháp luật. Luật xử lý vi phạm hành chính mới ra đời không thay đổi gì được. Vì vậy, theo ông Nên, nên tính toán thí điểm, chỉ có cơ chế thí điểm mới giải quyết vấn đề trước mắt. Sau đó chọn ra mô hình hợp lý để thực hiện.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()