Nhiều công trình chậm tiến độ
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển hạ tầng giao thông. Hằng năm, thành phố dành hàng nghìn tỷ đồng xây dựng, mở rộng các công trình cầu đường phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, thành phố đã xây dựng mới hơn 600 cầu, 2.000 km đường, tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Nhiều công trình trọng điểm lớn của thành phố như: cầu Thủ Thiêm khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố. Đại lộ Võ Văn Kiệt nối cửa ngõ phía đông và phía tây… đã hoàn thành và đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, diện mạo thành phố ngày càng khang trang, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình hạ tầng thi công chậm tiến độ gây lãng phí và bức xúc cho người dân.
Điển hình là dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài với chiều dài hơn 13,7 km khởi công tháng 6-2008, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng hiện đơn vị thi công vẫn chỉ thực hiện được từng đoạn, từng hạng mục do phải chờ giải phóng và bàn giao mặt bằng ở các quận: Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức. Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội với chiều dài hơn 16 km có tổng mức đầu tư khoảng 8.887 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) cũng phải kéo dài thời gian thực hiện và chưa biết thời gian hoàn thành do một số địa bàn có đường chạy qua chưa bàn giao mặt bằng để thi công. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị cũng bị chậm tiến độ so với kế hoạch khoảng hai năm. Nguyên nhân vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ cơ bản hoàn thành trên địa bàn quận 9, Bình Thạnh và quận 1.
Dự án cầu Rạch Tra nối giữa xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi dài hơn 2 km, rộng 14 m gồm sáu làn xe. Công trình có tổng đầu tư hơn 546 tỷ đồng do Khu quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án được quy hoạch nhằm rút ngắn thời gian đi từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đến Bình Dương, nối với quốc lộ 22 và đường cao tốc Mộc Bài sẽ là những trục đường vành đai quan trọng kết nối với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tuy nhiên do chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công bên phía huyện Củ Chi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, huyện Củ Chi mới thực hiện bồi thường cho 27/65 hộ bị giải tỏa với diện tích tương ứng 9.574 m2/28.971,4 m2, số hộ còn lại đến nay vẫn chưa nhận tiền bồi thường cho diện tích 19.397 m2.
Dự án cầu Kinh Thanh Đa dài 325 m, rộng 21 m với bốn làn xe và hai đường đi bộ, khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện giao thông khu vực và bán đảo Thanh Đa vốn bị “cô lập” với khu trung tâm thành phố từ nhiều năm nay do hạ tầng giao thông chưa phát triển. Công trình khởi công từ tháng 1-2011 nhưng đến nay chỉ mới thực hiện thi công gói thầu xây lắp 1 và 2. Riêng gói thầu xây lắp ba (nằm phía bên bán đảo Thanh Đa) vẫn “vướng khâu” giải phóng mặt bằng đơn vị thi công chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do 96 hộ dân trong phạm vi di dời chưa đồng ý với mức giá đền bù. Một số người dân còn nhiều lần cố tình ngăn không cho nhà thầu triển khai thi công. Theo lãnh đạo Khu quản lý Giao thông đô thị số 1, nếu thời gian chờ giải phóng mặt bằng kéo dài càng lâu thì công trình không chỉ chậm tiến độ mà vốn đầu tư cũng sẽ tăng lên.
Một công trình trọng điểm khác của thành phố là dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Theo kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp 30-4 năm nay nhưng cũng bị lỡ hẹn. Đây được xem là một trong dự án có thời gian chuẩn bị và thi công dài nhất (từ năm 1993 đến nay). Dự án đã hai lần phải thay đổi nhà thầu thi công, vốn đầu tư phải điều chỉnh và tăng lên chóng mặt. Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông Đô thị số 1 Ngô Bá Ân cho biết: Hiện nay trong 10 gói thầu xây lắp thì tám gói thi công sắp hoàn thành và hai gói trồng cây xanh, tạo cảnh quan đang triển khai. Thành phố yêu cầu các đơn vị xây dựng phải khẩn trương hoàn thành trước ngày 15-8 để khánh thành toàn tuyến trước ngày 2-9.
Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Có thể nói, chất lượng và tiến độ nhiều công trình phụ thuộc vào hai vấn đề quan trọng là vốn và mặt bằng. Cả hai vấn đề trên không mới nhưng tháo gỡ thế nào thì cần phải bàn giải pháp và chỉ đạo quyết liệt. Theo Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, nhu cầu vốn đầu tư mở rộng và xây dựng mới cơ sở hạ tầng giao thông dự kiến tăng gần gấp hai lần năm 2011, khoảng 47 nghìn tỷ đồng. Sau khi cân đối nguồn vốn, chỉ có thể huy động được khoảng 41 nghìn tỷ đồng, thiếu khoảng sáu nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn quan trọng này rất cần thiết để thực hiện đồng loạt các dự án lớn, trọng điểm của thành phố nhằm mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông vốn đã quá tải và đang xuống cấp nghiêm trọng. Từ trước đến nay, nguồn vốn ODA thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tuy nhiên, nguồn vốn này đang ngày càng khó tiếp cận. Vì thế, giải pháp huy động vốn từ nhiều nguồn là một hướng đi đúng cần tiếp tục phát huy. Nhiều năm nay, thành phố luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc kêu gọi thu hút vốn đầu tư đa dạng nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, thành phố dự kiến triển khai hơn 40 dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) với tổng mức đầu tư gần 86 nghìn tỷ đồng và 6.100 triệu USD; 10 dự án BT kết hợp BOT với tổng mức đầu tư 78.542 tỷ đồng và 620 triệu USD. Thành phố cũng đã ban hành danh mục dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, năm 2012 cùng với việc tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương bàn giao mặt bằng để thi công, thành phố sẽ thường xuyên bám sát tình hình giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA để điều chỉnh hợp lý, kịp thời, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm gồm dự án: mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2, tỉnh lộ 25B, tập trung khép kín vành đai 2, đường song hành Hà Huy Giáp, cầu đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài. Hàng loạt các công trình dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2012 gồm: đường nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc, tỉnh lộ 10, 10B, cầu Suối Cái, cầu Rạch Tra. Về giải phóng và bàn giao mặt bằng, hầu hết các đơn vị giải phóng mặt bằng cho rằng công việc này gặp khá nhiều khó khăn và kéo dài do các khâu thủ tục, áp giá đền bù và địa điểm tái định cư. Để giải quyết khó khăn này, UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện chủ động chuẩn bị quỹ nhà ở, đất ở tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án. Trong trường hợp không có quỹ đất sẽ tính mức hỗ trợ chi phí tạm cư tùy theo khu vực. Theo đó, mức phí hỗ trợ sẽ từ ba đến năm triệu đồng/hộ/tháng tùy theo khu vực đối với các hộ có từ bốn nhân khẩu trở xuống; hỗ trợ từ 750 nghìn đồng đến 1,25 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng khu vực nhưng không vượt quá 15 triệu đồng/hộ/tháng đối với hộ có từ năm nhân khẩu trở lên. Theo trình tự, UBND các quận, huyện phải bố trí xong nhà tái định cư mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố phải thực hiện việc di dời, bố trí tái định cư cho người dân tại 30 chung cư cũ (khoảng 7.800 hộ); tái định cư cho các hộ dân thuộc các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khoảng hơn 30 nghìn hộ. Để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng, thành phố cần phân định rõ trách nhiệm đối với các quận, huyện theo hướng nếu địa phương nào để xảy ra chậm trễ, kéo dài thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố. Kiên quyết xử lý những trường hợp không chịu nhận tiền đền bù, giải tỏa, tái định cư làm ảnh hưởng tiến độ các công trình dự án trọng điểm.
Ý kiến ()