TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển xe buýt để giảm ùn tắc giao thông
Bùng nổ xe cá nhân, hạ tầng đô thị quá tải, kẹt xe liên miên là những vấn đề đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh phải tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn đô thị. Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một trong những giải pháp căn cơ để kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới kéo giảm ùn tắc giao thông.
Người dân đã “quay trở lại” với xe buýt
Suốt thời gian dài, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng hành khách sử dụng xe buýt liên tục sụt giảm. Trong khi đó, mỗi năm thành phố chi hàng trăm, thậm chí lên đến cả ngàn tỷ đồng trợ giá vé xe buýt. Gần đây, một tín hiệu vui đối với vận tải hành khách công cộng là người dân đã bắt đầu quay trở lại với xe buýt.
Theo ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượt người sử dụng vận tải công cộng đạt 272 triệu lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 45,4% so với kế hoạch năm 2017 (600 triệu lượt hành khách); trong đó khối lượng vận chuyển bằng xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, chiếm 59,9%, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trung bình mỗi ngày xe buýt vận chuyển được gần 907.000 lượt hành khách.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để thu hút người dân sử dụng xe buýt, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư thay thế phương tiện xe buýt cũ trước đây sang xe sử dụng nhiên liệu sạch bằng khí nén thiên nhiên (CNG), điều chỉnh luồng tuyến hợp lý hơn đồng thời mở rộng thêm 5 tuyến mới.
Mặt khác Trung tâm cũng chú trọng đến công tác giáo dục, tập huấn và giám sát camera để điều chỉnh hành vi của lái xe và nhân viên thu vé. Để đảm bảo trật tự an toàn cho hành khách, Trung tâm đã ký kết với Phòng Cảnh sát điều tra và phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an thành phố thông qua việc cung cấp đường dây nóng và trích xuất dữ liệu camera tiếp nhận nhanh, kịp thời và chuẩn xác các phản ánh của người dân.
Hiện trên địa bàn có khoảng 300 xe buýt CNG. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã đầu tư và đưa vào sử dụng gần 100 xe. Trung tâm đã triển khai thí điểm quảng cáo xe buýt, tạo thêm nguồn thu, hỗ trợ kinh phí trợ giá vé xe buýt, đồng thời tạo diện mạo mới cho xe buýt, giúp người dân nhận diện rõ ràng hơn xe buýt với các phương tiện khác – ông Trung chia sẻ.
Sinh viên Nguyễn Thanh Phượng, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12 cho biết, do nhà ở cách xa trường học (ở quận 3) nên em thường xuyên sử dụng xe buýt. Thời gian gần đây, nhiều xe buýt được thay mới, hệ thống điều hòa đã được cải thiện, ghế và hành lang trên xe sạch sẽ hơn, thái độ phục vụ của nhân viên thu vé cũng hoà nhã, thân thiện. Tuy nhiên do mật độ giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc nên tốc độ xe buýt vẫn chưa được cải thiện nhiều, xe khó cập sát vào bến dừng để hành khách lên xuống – Phượng nhận xét.
Hạn chế xe cá nhân
Phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được xác định là một trong những giải pháp căn cơ để kiểm soát, hạn chế phương tiện xe cá nhân; nhờ đó, giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt sẽ đảm nhận 30% nhu cầu đi lại của người dân thay vì chỉ đáp ứng khoảng 9% như hiện nay.
Tuy nhiên việc “kéo” người dân sử dụng xe buýt không phải là điều dễ dàng, nhất là khi thói quen sử dụng xe máy vẫn còn phổ biến, phương tiện cá nhân ngày càng bùng nổ, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đang quá tải, ùn tắc giao thông liên tục diễn ra.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố, tính đến tháng 5/2017, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chiếm đến gần 7,5 triệu là xe máy. Về xe buýt, thành phố có khoảng 3.000 xe buýt hoạt động trên 141 tuyến; trong đó có 2.500 xe thuộc diện có trợ giá. Hệ thống bến bãi phục vụ vận tải hành khách công cộng (xe buýt và taxi) chỉ đạt gần 30 ha, chiếm 36,95% so với quy hoạch.
Công tác phát triển vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập do mật độ giao thông quá cao; tình trạng xuống cấp của hệ thống xe buýt và bến bãi giao thông tĩnh còn thiếu nhiều, chưa được đầu tư đúng mức. Thành phố vẫn chưa kiểm soát được xe không đăng ký kinh doanh tham gia hoạt động qua phần mềm Uber, Grab. Đến nay Sở Giao thông vận tải đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 22.331 xe, qua đó nâng lượng xe ôtô dưới 9 chỗ hoạt động trên địa bàn lên 33.286 xe, đã phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn. Điều này cũng gây sức ép và ảnh hưởng rất lớn đến năng lực vận tải của xe buýt.
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho hay, quan điểm của thành phố là không cấm xe máy mà kiểm soát nhu cầu sử dụng xe máy lưu thông trên đường; khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh áp dụng cho xe buýt; tổ chức bố trí làn riêng cho xe buýt, tổ chức đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá; tiếp tục xây dựng đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.”
Theo tiến sỹ Lương Hoài Nam – chuyên gia giao thông, trong khi chờ các tuyến metro và xe buýt nhanh BRT đưa vào khai thác, thành phố vẫn phải tiếp tục xác định xe buýt là loại hình chiến lược và chủ lực trong vận tải hành khách công cộng, đồng thời phải có kế hoạch phát triển xe buýt công suất nhỏ, có tính chất thu gom, phù hợp với đặc điểm thành phố có nhiều hẻm nhỏ.
Về giải pháp phát triển hệ thống xe buýt, Sở Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ đề án thay mới 1.680 xe. Hiện đã đầu tư thay thế được 857 xe, phục vụ trên 49 tuyến. Việc thay thế xe buýt mới đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng xe buýt. Trong năm 2017 sẽ tiếp tục đề án thay mới phương tiện, trong đó tập trung đầu tư xe buýt CNG.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng sẽ nhanh chóng sắp xếp mạng lưới tuyến xe buýt khoa học, phù hợp với nhu cầu khách đi lại và gắn với quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng; phát triển mạnh loại hình đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân; bố trí quỹ đất và huy động nguồn vốn từ xã hội hóa để nhanh chóng đầu tư các điểm trung chuyển phục vụ cho hệ thống vận tải hành khách công cộng liên thông và thuận tiện đồng thời đầu tư 3 bến xe buýt theo hình thức PPP gồm Bến xe Chợ Lớn, quận 8 và Tân Phú./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()