TP.HCM dần nới lỏng giãn cách, đảm bảo an sinh và an toàn dịch bệnh
Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến dần mở giãn cách, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất, an sinh xã hội; đồng thời đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân thành phố.
Sau khi thực hiện siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, cùng đó với là tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19 cho người dân toàn thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được dịch bệnh.
Trước những nỗ lực và kết quả này, Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến dần mở giãn cách, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất, an sinh xã hội; đồng thời đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân thành phố.
Dần mở lại các hoạt động
Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 7/9 tổng số mũi vaccine đã tiêm cho người dân là hơn 6,8 triệu mũi; trong đó tổng số người đã tiêm mũi 1 là hơn 6,175 triệu, tiêm mũi 2 là 708.646, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 751.471 người.
Như vậy, tính đến thời điểm này, hơn 70% người dân từ 18 tuổi trở lên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm vaccine COVID-19. Đây là điểm sáng để Thành phố Hồ Chí Minh có thể ứng phó dịch bệnh, nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường như trước đây.
Chị Nguyễn Ngọc An, trú tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức chia sẻ, cả gia đình chị đều chấp hành nghiêm các chính sách giãn cách xã hội của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời các thành viên trong gia đình đều thực hiện tiêm vaccine đúng tiến độ để tạo kháng thể nhanh nhất, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Không những vậy, chị còn đăng ký cho thành viên chưa đủ 18 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 để phòng bệnh khi có vaccine cho người nhỏ tuổi.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố được đánh giá là vùng có nguy cơ cao, cấp độ 4 trong lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, sau thực hiện giãn cách siết chặt từ ngày 23/8 đến 6/9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh được đưa về cảnh báo cấp độ 3.
Với cải thiện này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng có phương án để dần mở giãn cách. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng thẻ xanh và thẻ vàng COVID-19. Cụ thể, thẻ xanh và thẻ vàng được hiển thị thông qua các ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, tiemchungcovid19.gov.vn… khi người dân đã được tiêm vaccine mũi 1 hoặc tiêm 2 mũi vaccine COVID-19.
Dự kiến, sau ngày 15/9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra quy tắc chống dịch để khôi phục sản xuất an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó trong 3 giai đoạn.
Đó là, từ ngày 16/9 đến 31/9, người đã tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 có thể tham gia các hoạt động lưu thông, sản xuất, ngoại trừ các hoạt động karaoke, vũ trường, kinh doanh trung tâm thương mại, thể dục thể thao.
Khoảng thời gian từ 15/9 đến 31/10/2021, toàn thành phố sẽ có khoảng 80% người trên 18 tuổi tiêm vaccine mũi 1, thành phố sẽ mở dần giãn cách từ các quận huyện vùng xanh như quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Cũng trong thời gian này, thành phố xem xét mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức để đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân, bởi thực tế năng lực của các hệ thống siêu thị trong thành phố chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Giai đoạn 2 từ 31/10/2021 đến 15/1/2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở lại các hoạt động cho người có thẻ xanh COVID-19 là trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống.
Trong hai giai đoạn này, người có thẻ vàng hạn chế hơn trong việc đi lại làm việc sản xuất như thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, làm việc “3 tại chỗ.”
Giai đoạn 3 kể từ ngày 15/1/2022 trở đi, mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh tụ tập đông người bắt buộc phải có thẻ xanh COVID-19.
Tiếp tục kết nối chuỗi cung ứng để hồi phục kinh tế nhanh
Song song với các hoạt động nới lỏng giãn cách tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kết nối chuỗi cung ứng, liên kết tiêu dùng với người dân thành phố cũng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu để người dân yên tâm thực hiện các giải pháp nới lỏng tiếp theo.
Kể từ ngày 19/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh cùng 18 tỉnh phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng có chương trình kết nối sản xuất và tiêu dùng để tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm do ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn Kinh tế Hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, đại diện Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lúc mới bắt đầu thực hiện kết nối chuỗi cung ứng, chỉ có 15 đầu mối sản xuất từ 29 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham gia.
Nhưng đến nay, đã có 1.431 đầu mối là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung kết nối sản xuất và tiêu thụ này. Trong đó, các nhóm “combo” nông sản được người tiêu dùng và các hệ thống siêu thị đánh giá cao và thành công nhất trong thực hiện chuỗi kết nối.
Trước sự triển khai nhanh chóng, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tích cực thống kê các đơn vị sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác với những mặt hàng đặc trưng, tạo combo nông sản thiết thực như rau củ, trái cây, gạo, thủy sản, trứng vịt chạy đồng… để gửi về Tổ công tác 970, lên danh sách cho người tiêu dùng lựa chọn đặt hàng.
Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang nắm rõ loại nông sản, diện tích sản xuất, vùng nguyên liệu từng loại và các đơn vị sản xuất cụ thể trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, khi Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát động chương trình kết nối, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã nhanh chóng liên hệ với các hợp tác xã rà soát số lượng, báo về cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang thực hiện chuỗi kết nối nhanh nhất.
Nhờ đó, mặc dù còn nhiều vướng mắc do khâu vận chuyển, nhưng nông sản của người dân Tiền Giang vẫn nhanh chóng đến được người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh qua các combo của chuỗi kết nối.
Theo ông Trần Minh Hải, qua chương trình thực hiện kết nối chuỗi cung ứng, có thể thấy được sản phẩm nông nghiệp của 29 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Tây Nguyên đều có cơ hội đến với người tiêu dùng đúng lúc, tránh sự ùn ứ khi đến vụ thu hoạch rộ trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Khi chương trình vừa triển khai, các tỉnh Tiền Giang, Kiên giang, An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ đã nhanh chóng kết nối để sản phẩm của người sản xuất đến với người tiêu dùng nhanh nhất trong các ngày 25/8 đến ngày 6/9/2021.
Qua khảo sát sự tiếp cận của người dân đối với các combo nông sản, hầu hết đều cho biết sự hài lòng với combo và giá cả cũng nhẹ hơn so với đặt hàng trực tiếp tại các hệ thống siêu thị. Theo chị Nguyễn Minh Hồng, trú tại phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức, combo nông sản theo chương trình của Tổ công tác 970 rất phù hợp. Chỉ với 100.000 đồng, chị có thể mua được 10 kg rau củ, quả.
Với combo 150.000 đồng chị mua được gạo ngon, combo 250.000 đồng chị có cá cho gia đình sử dụng trong 4 ngày. Combo này rất thuận tiện, giúp chị yên tâm giãn cách, không phải ra ngoài và tiếp xúc nhiều, tránh sự lây lan dịch bệnh.
Với hiệu quả của chương trình kết nối chuỗi cung ứng nông sản, người sản xuất của 29 tỉnh phía Nam yên tâm tiếp tục sản xuất, người tiêu dùng yên tâm thực hiện giãn cách, chờ nới lỏng.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, thành công này không chỉ được thực hiện trong giai đoạn giãn cách, bởi còn nhiều đơn vị sản xuất vẫn chưa kết nối tốt với người tiêu dùng.
Ứng phó dịch bệnh COVID-19 còn dài, chính vì vậy, mỗi địa phương cần lập một đội phản ứng nhanh trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết nối chặt chẽ với Tổ công tác 970 để sản phẩm nông nghiệp làm ra đến với người tiêu dùng kịp thời, nhanh chóng, giữ được chất lượng và giá trị./.
Ý kiến ()