TP. Hải Phòng: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, TP. Hải Phòng đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,… Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn thành phố, vẫn còn nhiều khó khăn cần được tiếp tục triển khai, tháo gỡ.
Sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng đang từng bước được cơ giới hóa bằng các thiết bị,
máy móc hiện đại (Ảnh: baohaiphong.com.vn)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp của thành phố thu hẹp dần nhằm phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội. Diện tích đất canh tác giảm 1,2%/năm, song giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản giai đoạn 2009-2014 liên tục tăng. Cụ thể, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2009-2014 là 5,4%/năm; trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 4,35%/năm; sản xuất thủy sản tăng 8,35%/năm.
Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản đang là nhu cầu bức thiết của thành phố; cùng với việc ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật đã hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên lĩnh vực trồng trọt, một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu công việc như: làm đất, vận chuyển, đập tách hạt, bơm nước; các khâu mới như gieo mạ khay, khâu cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, gặt lúa,…ngày càng được triển khai bằng cơ giới hóa; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu công việc trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, những năm gần đây, ngành chăn nuôi chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại và gia trại. Trên địa bàn thành phố hiện có 3 doanh nghiệp chăn nuôi tập trung, 939 trang trại, trên 10.000 gia trại, trong đó, hầu hết các trang trại, gia trại lớn có áp dụng cơ giới hóa trong sử dụng hệ thống chuồng trại bán tự động, áp dụng cơ giới hóa vào một số khâu như vệ sinh, làm mát chuồng trại, chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi,…
Trên lĩnh vực thủy sản, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giống thủy sản, chăn nuôi công nghiệp; mức độ cơ giới hóa trong nuôi công nghiệp đạt tỷ lệ khá cao trong các khâu sản xuất, chế biến thức ăn trang trại (50%), sục khí ao đầm nuôi công nghiệp (70%), cung cấp nước (80%), cơ giới hóa vệ sinh ao đầm (30%),…
Thêm vào đó, tại Hải Phòng còn phổ biến một số loại hình dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp như hộ tư nhân hoặc một nhóm tư nhân góp vốn đầu tư mua máy móc thiết bị để dịch vụ các khâu làm đất, tuốt đập lúa, gieo, cấy hạt hoặc doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại đầu tư mua máy móc để tự phục vụ nhu cầu của đơn vị và chính, ngoài ra có thể cung cấp dịch vụ cho nhân dân xung quanh. Đồng thời, hiện nay, ở một số Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã hình thành mô hình dịch vụ cơ giới hóa liên kết với các khâu sản xuất như: giống, làm đất, gieo cấy, tưới nước, thu hoạch dưới sự điều hành của HTX. Mô hình đã đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí lao động, chất lượng hoạt động của máy đáp ứng quy trình thâm canh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm làm giảm tổn thất trong nông nghiệp, năm 2014, toàn thành phố đã có 32 hộ tham gia vay vốn mua máy, thiết bị; tổng số máy, thiết bị gồm: 8 máy làm đất công suất 24CV trở lên, 25 máy gặt đập liên hợp DC35 và một số máy khác phục vụ nông nghiệp, thủy sản.
Nhìn chung, máy cơ khí đã từng bước đáp ứng được nhu cầu cần thiết trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Hải Phòng. Một số khâu cơ khí hóa tăng mạnh như sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, gieo cấy mạ khay, gặt đập liên hoàn. Các mô hình sản xuất trong chăn nuôi trang trại, nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ khí hóa đồng bộ trong sản xuất lúa màu đã tạo điều kiện để cơ giới hóa phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế trong công tác cơ giới hóa ngành nông nghiệp của thành phố. Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa trong một số khâu còn ở mức còn thấp, không đồng đều; khâu thâm canh, chế biến, bảo quản nông sản hầu như chưa được cơ giới hóa. Máy cơ giới hóa chưa phát huy được hiệu quả cao do hạ tầng kém, ruộng đất manh mún, đường giao thông nội đồng xuống cấp, nhiều nơi không có bờ vùng bờ thửa nên máy cơ giới đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, công tác đầu tư cơ giới hóa thấp do yêu cầu vốn lớn so với khả năng của nông hộ; thiếu cơ sở dịch vụ máy cơ giới chuyên ngành. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế; kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệp còn yếu. Công tác đào tạo lành nghề cho công nhân và nông dân về vận hành, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm thích đáng.
Nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, tạo vùng sản xuất nông sản hàng hóa hiệu quả và bền vững, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, về trang bị và sử dụng máy cơ điện trong sản xuất nông nghiệp – thủy sản, kết hợp nguồn động lực hiện có, tăng cường đầu tư để tiến tới cơ giới hóa cơ bản các khâu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Ưu tiên đầu tư trang bị ở các khâu: cơ giới hóa phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản, vận chuyển trong nông nghiệp nông thôn và bảo quản chế biến nông sản, thủy sản.
Mặt khác, mở rộng hệ thống cung ứng, dịch vụ, sửa chữa máy cơ điện nông nghiệp nông thôn, trên cơ sở phát triển các mô hình dịch vụ truyền thống gắn với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển cơ điện nông nghiệp. Phấn đấu mỗi huyện có một trung tâm dịch vụ sửa chữa, lắp ráp máy cơ khí nông nghiệp, thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ đề ra, các giải pháp triển khai trong thời gian tới gồm: đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tổ chức sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng mở rộng quy mô thông qua việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Song song với đó, tổ chức đào tạo chuyên sâu, tập huấn diện rộng cho cán bộ kỹ thuật, các hộ gia đình, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp về vai trò, tác dụng cơ giới hóa nông nghiệp; kỹ năng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()