Thiệt hại nhãn tiền từ các vụ thu hồi xe liên tiếp của Toyota tại Bắc Mỹ đã rõ: doanh số tại Bắc Mỹ giảm 16% trong tháng, và giá trị vốn hoá của tập đoàn trên thị trường chứng khoán sụt giảm tới 21 tỷ USD chỉ trong 1 tuần.
Dây chuyền lắp ráp xe Prius ở một nhà máy của Toyota tại Nhật Bản. (Ảnh: AP)
Bộ Giao thông Mỹ cảnh báo có thể phạt Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, vì chậm trễ trong việc giải quyết các sự cố chân ga – dính chân ga và thảm sàn chẹt vào chân ga đều khiến xe tăng tốc đột ngột ngoài kiểm soát.
Giới luật sư tại Mỹ, nhưng người hiếm khi chậm trễ, đang xúm lại Toyota . Đã có một vụ kiện tập thể, cáo buộc xe Toyota gây ra 16 trường hợp tử vong và 243 trường hợp bị thương. Những khách hàng lâu nay vẫn trung thành tuyệt đối với Toyota đã bắt đầu có lý do cân nhắc mua xe của một thương hiệu khác.
Toyota đang phải xoay xở với hai vụ thu hồi xe tại Mỹ. Đầu tiên là vụ thu hồi 4,9 triệu xe để khắc phục nguy cơ thảm sàn chẹt vào chân ga khiến xe tăng tốc đột ngột ngoài tầm kiểm soát từ năm ngoái. Thứ hai là vụ thu hồi 2,3 triệu xe vừa công bố hôm 21/1/2010 do nguy cơ dính chân ga ở 8 mẫu xe.
Với vụ thứ nhất, Toyota đã khuyến cáo các tài xế gỡ tấm thảm sàn như một biện pháp phòng ngừa. Với vụ thứ hai, Toyota đang chuyển miếng thép gia cố để các đại lý lắp vào chân ga nhằm tránh nguy cơ dính chân ga. Việc này chỉ mất khoảng 30 phút thực hiện.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều chủ xe Toyota còn đang băn khoăn: có phải do hệ thống điện trục trặc khiến xe tăng tốc đột ngột? Toyota chưa nói gì về vấn đề này.
Câu chuyện ngụ ngôn về Toyota có thể là chuyện rùa trở thành thỏ. Trong nhiều thập kỷ qua, Toyota đã gây dựng uy tín và thị phần với những bước đi chậm và chắc, với phương châm “liên tục cải tiến”. Câu thần chú của Toyota là: chất lượng luôn trên hết, vì nó sẽ dẫn tới chi phí thấp hơn, từ đó kéo thị phần lên.
Nhưng vào thập niên 90, Toyota nhắm đến vị trí nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Tốt nhất và lớn nhất, điều này tạo ra sức ép mà Toyota không thể giải quyết ổn thoả. Chuyên gia Steven Spear của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) nói: “Nếu chất lượng là ưu tiên hàng đầu, nó sẽ dẫn tới một số hành vi nhất định. Còn nếu thị phần là mục tiêu, nó lại dẫn tới những hành vi khác.”
Ông Spear, người từng tập sự tại các nhà máy của Toyota, cho rằng vấn đề là “cách của Toyota”, theo đó bí quyết công nghệ tích luỹ từ những kỹ sư giỏi và công nhân sản xuất trực tiếp qua nhiều năm được chia sẻ trên toàn công ty, đã bị “pha loãng” bởi nhu cầu sản xuất. “Ngay từ cuối thập niên 90, chính người trong Toyota đã nói rằng, ‘Điều này sẽ gây khó khăn cho chúng ta’. Họ chỉ không biết là khi nào,” ông Spear nói.
Điều đó đang diễn ra. “Chúng tôi phải tăng cường kiểm soát chất lượng,” ông Shinichi Sasaki, phó chủ tịch phụ trách chất lượng của Toyota , nói. Một lời thú nhận đáng chú ý từ một công ty vẫn theo đuổi mục tiêu uy tín chất lượng! Toyota sẽ khắc phục vấn đề về sản xuất. Nhưng khôi phục uy tín sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ý kiến ()