Tổng tuyển cử đầu tiên có tính nền tảng cho các khóa Quốc hội tiếp theo
– Sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải thực hiện quyền làm chủ cho quần chúng, “Phải xúc tiến việc đi đến bầu cử Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”.
Cử tri dân tộc Dao xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 – Ảnh: HOÀNG NHƯ
Qua một thời gian chuẩn bị khẩn trương, ngày 6/1/1946 được ấn định là ngày Tổng tuyển cử, trong không khí phấn khởi của toàn dân. Nhiều người có đức, có tài ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai để quần chúng trao đổi sôi nổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất, hạn chế tới mức thấp nhất những phần tử cơ hội lợi dụng Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức. Trung ương Đảng chủ trương “Phải đưa những người đã ở trong Ủy ban Nhân dân, có năng lực hành chính ra ứng cử” và giới thiệu những người có đức, có tài ra ứng cử cùng đứng trong liên hiệp với những ứng cử viên Việt Minh. Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử không khí càng náo nức, sôi nổi. Một số địa phương, nhất là ở phía Nam, do lệnh hoãn không kịp, nên Tổng tuyển cử vẫn diễn ra theo kế hoạch đã định trước là ngày 23/12/1945. Tin Tổng tuyển cử diễn ra tưng bừng ở những nơi đó được đăng tải kịp thời trên báo chí làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước hướng đến ngày 6/1/1946.
Việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra hết sức khẩn trương trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội vô cùng phức tạp. Vừa phải kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những vấn đề cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện hòa hoãn tạm thời với quân Tưởng ở miền Bắc. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên không phải là cuộc Tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc hết sức gay go, quyết liệt và phức tạp. Sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở miền Bắc và sự xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam không thể ngăn cản được lòng dân, sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là tất yếu.
Trước bầu cử một ngày, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Ngày mai là ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Báo Cứu Quốc số ra ngày 6/1/1946, đăng bút tích của Người: “Khuyến cáo đồng bào nam nữ từ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Với lòng yêu nước nồng nàn, người dân đã hân hoan cầm lá phiếu trên tay tham gia sự kiện. Số cử tri đi bầu cử đạt trên 89%, bầu ra được 333 đại biểu chính thức. Sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử mang tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng đấu tranh đòi độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội của Nhân dân ta. Nhờ sự thành công ấy, Quốc hội trở thành cơ quan chính danh được Nhân dân bầu ra. Từ đó, Quốc hội cử ra Chính phủ, chính thức ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời, thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng của Nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
Cuộc Tổng tuyển cử đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử cũng được tiến hành rộng rãi, dân chủ, thực chất. Phát biểu tại Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với Nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của Nhân dân. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết”. Người mong rằng Quốc hội phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình với Nhân dân. Làm được điều đó “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Người khẳng định “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của Người cử tri” và “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu đại biểu đó tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, mở đầu cho quá trình xây dựng một chế độ dân chủ mới. Đó chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong việc hoàn thiện thể chế bầu cử sau này.
Ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Truyền thống đoàn kết vì dân, vì nước của Quốc hội khóa I do Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố quan trọng để Quốc hội Việt Nam các khóa tiếp theo đồng hành cùng dân tộc, thực hiện sự nghiệp đổi mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
MAI TÙNG
Ý kiến ()