Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc Azerbaijan và Armenia hòa đàm
Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres đã đưa ra lời kêu gọi trên trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Ngày 22/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia có hành động giảm căng thẳng “hoàn toàn và ngay lập tức,” nhanh chóng quay lại đối thoại sau các vụ đụng độ gần đây trên tuyến biên giới giữa hai quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây này.
Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres đã đưa ra lời kêu gọi trên trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Trong các cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới chung, đồng thời yêu cầu hai nước kiềm chế những hành động và tuyên bố mang tính khiêu khích.
Tổng Thư ký Guterres bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước trên.
Ông hy vọng lãnh đạo Azerbaijan và Armenia tiếp tục hợp tác hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột lâu dài liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh.
Trước đó ít ngày, Tổng Thư ký Guterres đã hối thúc Azerbaijan và Armenia kiềm chế tối đa sau khi xảy ra các cuộc đụng độ biên giới chung khiến hơn 10 binh sỹ thiệt mạng.
Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh.
Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.
Ý kiến ()