Tổng Thư ký LHQ bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề Afghanistan
Ngày 17/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo bổ nhiệm nhà ngoại giao Pháp Jean Arnault làm Đặc phái viên của ông về vấn đề Afghanistan và vùng lân cận.
Ngày 17/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo bổ nhiệm nhà ngoại giao Pháp Jean Arnault làm Đặc phái viên của ông về vấn đề Afghanistan và vùng lân cận.
Thông báo này được đưa ra trước thềm hội nghị hòa bình Afghanistan do Nga bảo trợ dự kiến diễn ra tại thủ đô Moskva trong tuần này.
Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc, thời gian gần đây, ông Arnault đã giữ cương vị đặc phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình tại Colombia.
Với những kinh nghiệm trong vấn đề Afghanistan, ông đã được đề nghị hỗ trợ trong việc đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay tại quốc gia Tây Nam Á này.
Việc bổ nhiệm ông Arnault phản ánh cam kết của Liên hợp quốc đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Afghanistan.
Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc, ông Arnault sẽ tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp trong khu vực nhằm đóng góp cho nền hòa bình tại Afghanistan. Arnault sẽ phối hợp với nhà ngoại giao Canada Deborah Lyons, người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) để thực hiện trọng trách này.
Quyết định bổ nhiệm diễn ra trước thềm các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban tại thủ đô Moskva theo lời mời của của Nga. Hội nghị hòa bình này có sự tham gia của các đại diện từ Mỹ, Pakistan và Trung Quốc.
Tiến trình hòa bình Afghanistan rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar đình trệ.
Tiến trình hòa bình đang bước vào giai đoạn quan trọng khi ngày 1/5 là hạn chót để các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan và Mỹ xem xét lại các cam kết quân sự của mình tại quốc gia Tây Nam Á này.
Theo truyền thông Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề xuất một cuộc họp rộng hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đạt được thỏa thuận hướng tới thiết lập chính phủ mới và toàn diện tại Afghanistan.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề nghị Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp với sự tham gia của của các ngoại trưởng tới từ các nước láng giềng của Afghanistan về việc đảm bảo ổn định tương lai, bao gồm cả vấn đề Iran.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại chính sách đối với Afghanistan, trong đó có thỏa thuận rút quân nói trên giữa chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump với Taliban vào đầu năm 2020.
Theo thỏa thuận này, tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước tháng 5/2021. Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan./.
Ý kiến ()