Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga
Ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn khái niệm mới về chính sách đối ngoại nhằm tiếp tục bổ sung và làm mới những mục tiêu, nhiệm vụ chủ chốt trong lĩnh vực đối ngoại của quốc gia này trước những thay đổi mà thế giới đã trải qua trong 3 năm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sắc lệnh do Tổng thống Putin phê chuẩn ngày 1/12 nêu rõ: “Trong bối cảnh những quan hệ mâu thuẫn về kinh tế, xã hội, chính trị đang ngày càng bị khoét sâu cũng như tình trạng mất ổn định ngày càng gia tăng trong hệ thống kinh tế và chính trị thế giới, thì vai trò của nhân tố con người trong các quan hệ quốc tế cũng được khẳng định… Việc xây dựng và hiện đại hóa lực lượng, các chủng loại vũ khí mới đang gây tổn hại đến sự ổn định chiến lược và đe dọa tới an ninh toàn cầu – vốn được bảo đảm bởi một hệ thống các hiệp ước và thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí…Hiện, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng, gồm cả một cuộc xung đột hạt nhân giữa các nước lớn trên thế giới đang ở mức thấp, tuy nhiên, các nước này lại đang bị lôi kéo ngày càng mạnh mẽ hơn vào các cuộc xung đột và khủng hoảng trên thế giới”.
Về tiềm lực hạt nhân
Sắc lệnh của Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng thảo luận về việc tiếp tục cắt giảm tiềm lực hạt nhân theo từng giai đoạn và ủng hộ các nỗ lực tăng cường an ninh toàn cầu. Sắc lệnh viết: “Nga duy trì lập trường kiên định trong việc tăng cường an ninh và sự ổn định trên thế giới ở cấp độ chiến lược và khu vực…Trong khía cạnh này, Nga đề cao tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Hiệp ước chung Nga-Mỹ về tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí phòng thủ chiến lược được hai bên ký kết ngày 8/4/2010”.
Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga còn nêu rõ, Moscow ủng hộ việc thiết lập các khu vực phi hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên thế giới, mà trước tiên là ở Trung Đông.
Về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế
Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga ghi nhận sự cần thiết của việc hình thành một liên minh chống khủng bố quốc tế mà “không mang màu sắc chính trị cũng như không áp dụng các tiêu chuẩn kép” để xóa sổ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác.
Sắc lệnh của ông Putin nêu rõ: “Các mối đe dọa khủng bố trên toàn cầu đã phát triển về chất, với sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố quốc tế IS và các nhóm khủng bố khác đã gây nên những tội ác chưa từng có tiền lệ, theo đuổi ý đồ xây dựng một nhà nước riêng và gia tăng tầm ảnh hưởng trong vùng lãnh thổ giữa bờ biển Đại Tây Dương và Pakistan”. Qua đó, văn kiện này kêu gọi các nước tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cần tập trung vào việc “xây dựng nên một liên minh chống khủng bố quốc tế, dựa trên một nền tảng pháp lý vững chắc cùng mối quan hệ hợp tác hệ thống, có hiệu quả, không mang màu sắc chính trị, không áp đặt các tiêu chuẩn kép. Mà thay vào đó, tận dụng các tiềm năng trong xã hội dân sự, trước tiên là với mục đích ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chặn đứng các tư tưởng cực đoan”.
Sắc lệnh nêu rõ, Nga coi cuộc chiến chống khủng bố quốc tế là một “nhiệm vụ quốc gia vô cùng quan trọng”. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng thể hiện rõ lập trường của Moscow nhằm ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria. Nga sẽ tiếp tục theo đuổi các giải pháp về chính trị, ngoại giao cho các quan hệ xung đột ở Trung Đông, dựa trên nguyên tắc không can thiệp từ phía bên ngoài. Ngoài ra, Nga cam kết sẽ nỗ lực tối đa trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên tinh thần tôn trọng luật pháp Nga và luật pháp quốc tế.
Về quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Khái niệm mới về chính sách ngoại giao của Nga cho rằng, tương lai phát triển một mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và song phương chỉ có thể trở thành hiện thực dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Moscow không công nhận những chính sách về “thẩm quyền tư pháp ngoại biên” (hay thẩm quyền xét xử ngoài lãnh thổ – extraterritorial jurisdiction) của Mỹ, mạnh mẽ bác bỏ những sức ép về chính trị, quân sự hay kinh tế, đồng thời bảo toàn quyền phản ứng quyết liệt trước các hành động thiếu thân thiện, đặc biệt thông qua việc tăng cường phòng thủ quốc gia và áp dụng các biện pháp trả đũa.
Sắc lệnh khẳng định, EU vẫn duy trì vị trí là một đối tác chính trị, kinh tế của Nga và chính quyền Moscow quan tâm tới việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác “ổn định, có thể dự báo được” với liên minh này. Tuy nhiên, sắc lệnh cũng cho rằng, hiện chính sách về thị thực của EU đang trở thành một rào cản lớn trong phát triển các quan hệ tiếp xúc giữa Nga và EU. Từ đó, Nga cho rằng, việc gỡ bỏ những rào cản này sẽ mang lại một “động lực thúc đẩy” mới nhằm phát triển quan hệ giữa nước này với EU.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin cũng bày tỏ quan ngại trước các động thái mở rộng quân sự của NATO về khu vực gần biên giới với LB Nga. Sắc lệnh chỉ ra rằng, Nga sẽ xây dựng các mối quan hệ với NATO dựa trên mức độ sẵn sàng của liên minh này trong việc tham gia vào một tiến trình đối thoại bình đẳng.
Về chính sách với châu Á
Sắc lệnh của ông Putin khẳng định, Nga và Trung Quốc chia sẻ lập trường chung trong nhiều vấn đề quốc tế và hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng chỉ rõ rằng Nga sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ gần gũi với Nhật Bản, nhằm mục tiêu bảo đảm sự ổn định và an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nga kêu gọi các nỗ lực xoa dịu quan hệ đối đầu và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới tương lai tái hòa giải giữa các bên thông qua đối thoại.
Sắc lệnh nêu rõ, Nga coi trọng việc tăng cường vị thế của nước này tại Thái Bình Dương và thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực là một đường lối mang tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Về vấn đề Bắc Cực
Sắc lệnh của Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ “đưa ra các biện pháp tương tác” trước mọi mưu đồ làm bùng phát xung đột quân sự hay quan hệ đối đầu tại Bắc Cực. Nga sẵn sàng phát triển các mối quan hệ với Canada, gồm cả vấn đề Bắc Cực dựa trên nền tảng cùng tôn trọng các lợi ích của đôi bên.
Về khía cạnh truyền thông
Sắc lệnh của ông Putin nêu rõ, Nga sẽ tận dụng các công nghệ hiện đại để bảo vệ an ninh thông tin và nâng cao vị thế của giới truyền thông Nga ở nước ngoài./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()