Tổng thống Putin thăm Trung Quốc: Bước tiếp nối chính sách hướng Đông của Nga
Theo chuyên gia, hướng Đông sẽ tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga bởi Moskva coi trọng vai trò của châu Á trong việc cân bằng cán cân sức mạnh với phương Tây.
Dư luận không bất ngờ khi chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm là tới Trung Quốc.
Năm nay hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trung Quốc, cùng với Ấn Độ cũng là hai nước được Nga xác định là "láng giềng lớn," là "trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền" mà Moskva cần ưu tiên định hướng phát huy những tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược với hai nước này, theo Khái niệm Chính sách Đối ngoại cập nhật mới nhất của Liên bang Nga, được Tổng thống Putin phê duyệt tháng 3/2023.
Các báo Nga đã đăng các trích đoạn video cho thấy Tổng thống Putin cùng đoàn các quan chức trong Chính phủ mới của Nga được đón tiếp trọng thị và thân mật ngay từ khi chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh.
Nhiều tài khoản Telegram đã dẫn phát biểu của Tổng thống Putin bày tỏ ông cảm thấy như “đang ở nhà.”
Tất cả những điều này cho thấy các ưu tiên và chiều sâu của mối quan hệ giữa hai cường quốc vốn có vai trò địa chính trị nổi bật trên thế giới.
Nga và Trung Quốc có nhiều quan điểm tương đồng cũng như lợi ích chung trong các vấn đề khu vực cũng như trên thế giới trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba mà vẫn chưa có hồi kết.
Từ tháng 2/2022, Nga và Trung Quốc nhất trí về mối quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn." Hai bên sau đó nhiều lần khẳng định mối quan hệ song phương chặt chẽ, bất chấp sức ép từ phương Tây.
Đánh giá về quan hệ song phương, Tổng thống Putin lưu ý rằng trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch thương mại giữa Moskva và Bắc Kinh vẫn tăng trưởng đáng kể với khoảng 90% các khoản thanh toán được thực hiện bằng đồng nội tệ của hai nước.
Ông khẳng định hai bên đã có được “một hành trang hợp tác thực tế vững chắc.” Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương tăng gần 25% và đạt 227 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là đối tác chính của Nga trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Năm ngoái, Nga đứng thứ tư trong danh sách các nước đối tác thương mại của Trung Quốc. Việc hai nước chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia được đánh giá đã tạo điều kiện thuận lợi để Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư.
Tỷ trọng của đồng ruble và nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại Nga-Trung đã vượt 90% và tiếp tục tăng lên, nhờ đó thương mại và đầu tư song phương được bảo vệ khỏi ảnh hưởng tiêu cực của các nước thứ ba và xu hướng tiêu cực trên thị trường tiền tệ toàn cầu.
Trung Quốc không chỉ trở thành quốc gia nhập khẩu các nguồn năng lượng lớn nhất từ Nga sau khi phương Tây ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt cũng như áp đặt trần giá bán đối với "vàng đen" của Moskva, mà còn là nhà cung cấp máy móc và thiết bị điện tử hàng đầu, đặc biệt là ôtô, trong bối cảnh Nga bị cấm vận về công nghệ.
Một số phân tích cho thấy Nga nhập khẩu 90% linh kiện vi điện tử cũng như 70% máy công cụ từ Trung Quốc. Tuyến đường vận tải phục vụ thương mại Nga- Trung hiện không chỉ trở thành tuyến huyết mạch mà còn rất quan trọng đối với cả hai nước.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần trân trọng và tiếp tục củng cố quan hệ song phương, đồng thời "cùng nhau đạt được sự phát triển và trẻ hóa hai quốc gia."
Đã có 11 văn kiện được ký kết sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước, trong đó có Tuyên bố chung dài hơn 30 trang về việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.
Một điểm đáng lưu ý trong tuyên bố chung, là việc Liên bang Nga và Trung Quốc bày tỏ cùng không đồng ý kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine, phản đối việc nước này chuyển sang giai đoạn không thể kiểm soát.
Cả hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn xung đột leo thang và bày tỏ sẵn sàng góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Nga hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng giúp tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Bình luận về chuyến công du của Tổng thống Putin, ông Alexei Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học Quốc gia Moskva (Nga) mang tên M.V. Lomonosov, nhấn mạnh chuyến thăm chủ yếu tập trung vào kinh tế và tầm nhìn toàn cầu đối với tình hình thế giới.
Theo ông, Moskva và Bắc Kinh có những cách tiếp cận giống nhau liên quan đến trật tự đa cực và cùng hướng đến một thực tế là thế giới cần triệt tiêu hành động trừng phạt và không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Theo ông Adil Kaukenov, Giám đốc Viện Trung Quốc của Nga, việc Tổng thống Putin chọn Trung Quốc cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên sau khi nhậm chức cho thấy mối quan hệ "ngày càng bền chặt" giữa hai nước.
Meia Nouwens, chuyên gia cấp cao về chính sách an ninh, quốc phòng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, Anh, đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa trở về từ châu Âu, báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi quan điểm về quan hệ song phương với Moskva, bất chấp sức ép từ phương Tây.
Zhao Minghao, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đánh giá mục đích chuyến thăm của Tổng thống Putin là nhằm ổn định mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là về thương mại và năng lượng.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Putin lần này có thể coi là bước tiếp nối chính sách hướng Đông của Nga, ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác truyền thống, trong đó Trung Quốc.
Củng cố quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á... là một lựa chọn chiến lược của Nga trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và tình hình thế giới phức tạp hiện nay.
Trên thực tế, tầm nhìn hướng Đông, chuyển hướng tăng cường quan hệ với các đối tác châu Á vốn là trọng tâm chính sách đối ngoại của Nga kể từ năm 2012, trên cơ sở xác định thế kỷ 21 là "thế kỷ của châu Á."
Cuộc khủng hoảng Ukraine là nhân tố thúc đẩy chính sách này biến chuyển nhanh hơn, khi Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp cô lập về chính trị và kinh tế chống lại Nga.
Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh xung đột Nga-phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai gần, Nga sẽ ngày càng tăng cường chuyển dịch sang phía Đông, đẩy mạnh các nỗ lực tự chủ kinh tế và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thân thiện nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Hướng Đông cũng sẽ tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga bởi Moskva coi trọng vai trò của châu Á trong việc cân bằng cán cân sức mạnh với phương Tây./.
Ý kiến ()