Tổng thống Pháp công bố lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc
Tổng thống Emmanuel Macron: Càng hành động nhanh, Pháp càng sớm vượt qua khủng hoảng bệnh dịch.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Pháp khẳng định, cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch bệnh Covid-19 đã lan ra khắp cả nước. Vì vậy, Chính phủ buộc phải đưa ra những quyết định kiên quyết, ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Trường học đã được lệnh đóng cửa, bắt đầu từ nửa đêm 14-3, tất cả nhà hàng và hoạt động kinh doanh, giải trí cũng được lệnh ngừng hoạt động.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, nước Pháp chưa bao giờ phải đưa ra quyết định như vậy trong thời bình. Tuy nhiên, mọi người vẫn lờ đi những cảnh báo về mức độ lây nhiễm nghiêm trọng, vẫn tụ tập ở công viên, chợ, nhà hàng… không tự bảo vệ mình mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Vì vậy, cần thực thi biện pháp cứng rắn, chỉ vì một mục tiêu: bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Theo đó, trên toàn lãnh thổ Pháp ở lục địa cũng như hải ngoại, mọi người chỉ được ra đường vì mục đích điều trị bệnh, mua nhu yếu phẩm nhưng duy trì khoảng cách ít nhất 1m, đến nơi làm việc vì không thể làm việc ở nhà, đi tập thể dục nhưng chỉ một mình. Mọi người không được lấy lý do đi dạo, rồi gặp gỡ nhau ở ngoài đường hay những nơi công cộng, thăm gia đình hay tụ tập trong nhà, hạn chế tối đa sự tiếp xúc, lây nhiễm.
Nhấn mạnh rằng, nước Pháp đang có chiến tranh, không phải chống lại một quân đội hay một quốc gia mà là một kẻ thù vô hình, Tổng thống E. Macron cho biết, Chính phủ và Quốc hội sẽ dồn sức chống dịch bệnh. Vì vậy, hoạt động cải cách chính sách sẽ hoãn lại, bắt đầu từ cải cách lương hưu. Hội đồng Bộ trưởng sẽ trình một dự án luật để Quốc hội sớm thông qua, cho phép chính phủ ứng phó tình huống khẩn cấp, khi cần thiết có thể ra các pháp lệnh nhằm giải quyết khủng hoảng bệnh dịch Covid-19.
Để hỗ trợ tối đa cho các nhân viên y tế đang tham gia chống dịch trên tuyến đầu, Tổng thống Pháp quyết định huy động taxi và khách sạn để họ yên tâm đi lại và nghỉ ngơi. Nhà nước sẽ thanh toán tất cả các chi phí này. Một bệnh viện dã chiến sẽ được xây dựng tại Alsace, vùng bị bệnh dịch nghiêm trọng nhất ở phía đông bắc, và quân đội sẽ được huy động hỗ trợ các bệnh viện ở đây, hiện đang trong tình trạng quá tải.
Cũng từ trưa 17-3, biên giới giữa Pháp với các nước Schengen và Liên hiệp châu Âu sẽ đóng trong vòng 30 ngày và chỉ có công dân Pháp được trở về nước.
Các biện pháp kiểm soát sẽ tác động đến hàng triệu người và toàn bộ lĩnh vực kinh tế – xã hội. Vì vậy, Tổng thống Pháp cam kết, Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ có các biện pháp viện trợ để không doanh nghiệp nào rơi vào nguy cơ phá sản và không có người Pháp nào phải sống bấp bênh. Nhà nước cũng sẽ thiết lập một hệ thống đặc biệt để hoãn thuế và phí xã hội và quỹ bảo lãnh trị giá 300 tỷ euro cho các doanh nghiệp để hoãn nợ ngân hàng do không thể kinh doanh trong lúc dịch bệnh, cũng như tạm hoãn thanh toán tiền điện, ga, thuê nhà.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, hơn 100 nghìn cảnh sát và hiến binh sẽ được triển khai trên toàn quốc, kiểm soát người dân thực hiện các biện pháp vừa được Tổng thống công bố. Các trạm kiểm soát di động và cố định sẽ được thiết lập trên các đường cao tốc và liên tỉnh, thành phố. Nếu ai vi phạm, sẽ bị phạt từ 38 đến 135 euro, tùy mức độ.
Ông Christophe Castaner cho biết, tất cả các lực lượng, gồm: y tế, công vụ và an ninh được huy động cho “cuộc chiến” này. Mỗi người một nhiệm vụ và người dân chỉ cần ở nhà. Quyết định đóng cửa biên giới là để ngăn chặn người dân từ các nước Schengen và EU sang Pháp và làm gia tăng sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn được phép.
Như vậy, kể từ trưa 17-3, bất kỳ người nào ra đường phải chứng minh được mục đích di chuyển để mua nhu yếu phẩm, đến nơi làm việc vì chưa được sắp xếp làm ở nhà, đi khám chữa bệnh, đi xử lý công việc cấp bách của gia đình hay giúp đỡ những người đang gặp nguy hiểm.
Bộ trưởng Christophe Castaner khẳng định, rất nhiều người vẫn không tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch lây lan. Nước Pháp không phải là ngừng hoạt động hoàn toàn. Vẫn có các ngoại lệ để ra khỏi nhà, đi làm và xử lý công việc cần thiết, chứ không phải đi chơi, tụ tập. Do đó, lệnh vừa ban hành đã rất rõ ràng rằng: nếu không buộc phải ra đường, hãy ở nhà.
Bộ Y tế Pháp cho biết, số người nhiễm mới được xác nhận trong 24 giờ qua, tính tới tối 16-3, là 1.210 và 21 người tử vong. Thống kê này cho thấy, mức độ lây lan ở Pháp tiếp tục tăng nhanh. Tổng số người nhiễm và tử vong ở nước này đã lên tới 6.633 và 148. Hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng thủ đô L’Île-de-France (1.762 ca nhiễm) và Grand Est ở phía đông nước Pháp (1.543 ca nhiễm).
phố Paris tắc nghẽn nghiêm trọng trước giờ công bố lệnh hạn chế đi lại.
Ý kiến ()