Tổng thống Nga V. Putin trả lời họp báo thường niên lần thứ 10
Chiều 18/12, tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo thường niên với sự tham dự của khoảng 1.200 phóng viên trong nước và quốc tế. Đây là cuộc trao đổi thường niên với phóng viên lần thứ 10 của ông Putin.
Cuộc họp báo thường niên năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Nga đối mặt với vô vàn thách thức. Trong nước đồng Ruble (Rúp) Nga mất giá mạnh mà nguyên nhân chính là do giá dầu quốc tế giảm. Theo tính toán cứ 1 USD sụt giảm của giá dầu, ngân sách Nga thiệt hại 2 tỷ USD mỗi năm. Nga cũng đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt, cô lập của phương Tây do quan điểm trong vấn đề Ukraine. Kinh tế Nga cũng có dấu hiệu sẽ rơi vào suy thoái do ảnh hưởng từ các điều kiện không thuận lợi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters.) |
Như thường lệ, ông Putin bắt đầu cuộc họp báo với việc tổng kết các kết quả kinh tế của Nga trong năm 2014, theo đó GDP trong 10 tháng tăng trưởng 0,6-0,7%. Thặng dư thương mại là 148,4 tỷ USD. Ngân sách liên bang năm nay thặng dư 1,9% GDP bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Sản xuất công nghiệp trong 10 tháng tăng 1,7%; lương thực năm nay được mùa kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Ông Putin khẳng định việc thoát khỏi tình hình khó khăn hiện nay và Nga tiếp tục tăng trưởng kinh tế là đương nhiên, dù tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Theo ông, Nga có thể sẽ phải áp dụng các biện pháp được sử dụng thành công năm 2008 và sẽ chú trọng tới việc hỗ trợ những đối tượng thực sự cần, tiếp tục duy trì các chỉ số xã hội.
Về tiền tệ, ông Putin cho rằng Ngân hàng TƯ Nga đã có những biện pháp thích hợp, dù còn một số vấn đề. Ngân hàng TƯ Nga không có ý định tiêu dự trữ ngoại tệ một cách thiếu tính toán và hiện dữ trữ của ngân hàng này là 8,3 nghìn tỷ Ruble. Ông cũng thừa nhận đồng Ruble Nga vẫn có thể mất giá và giá dầu cũng có thể tiếp tục giảm, song Nga sẽ không cố định đồng Ruble. Theo Tổng thống Putin, kinh tế Nga hiện chủ yếu bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và Nga cũng chưa làm đủ đối với việc lên kế hoạch đa dạng hóa kinh tế. Khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể kéo dài nhiều nhất 2 năm, song kinh tế Nga có thể phục hồi nhanh hơn nếu các yếu tố bên ngoài thay đổi tích cực Ông cũng cho rằng giá dầu giảm sau đó sẽ khiến giá cả tăng vọt, và điều này không có lợi cho kinh tế.
Đề cập tới đối ngoại, ông Putin nêu rõ quan điểm cứng rắn của Nga trong khủng hoảng phải đưa ra dấu hiệu rõ ràng cho các đối tác rằng cần xây dựng một không gian an ninh chung, chứ không phải dựng lên một bức tường ngăn cách. Trả lời câu hỏi về cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới cũng như khả năng Nga thay đổi quan điểm để nhận được sự ủng hộ của phương Tây, Tổng thống Putin tái khẳng định Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước phòng thủ tên lửa và tạo ra hiểm họa cho Nga. Tổng thống Putin cho biết năm tới, Nga sẽ tăng ngân sách quốc phòng, song ngân sách quốc phòng Nga còn kém Mỹ nhiều lần. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moskva muốn thiết lập quan hệ bình đẳng với phương Tây trên cơ sở tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau. Nga cứng rắn và sẽ còn cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, song không “tấn công” ai. Nga có quyền lựa chọn các phương pháp đảm bảo an ninh cho riêng mình giống như các nước khác.
Đề cập tình hình miền Đông Ukraine, ông Putin khẳng định tại Kiev đã diễn ra đảo chính, một phần đất nước không đồng ý với điều này, song thay vì đối thoại, chính quyền Kiev sử dụng cảnh sát và quân đội, tiến hành “chiến dịch trừng phạt”, và nay tìm cách giải quyết vấn đề thông qua phong tỏa kinh tế. Theo ông, con đường như vậy không có tương lai cho người dân Ukraine, và Nga sẵn sàng làm trung gian để khôi phục hòa bình ở quốc gia láng giềng. Ông cũng cho rằng cần thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk và Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko (Pi-ốt Pô-rô-sen-cô) mong muốn một giải pháp cho vấn đề miền Đông Ukraine
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn Tass về vấn đề ngoại giao năng lượng, ông Putin cho biết các dự án khí đốt với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã được hoạch định từ lâu, nay Nga chỉ thực hiện chúng. Ông khẳng định với châu Âu hiện và trong tương lai gần chưa thể có nguồn cung khí đốt nào rẻ và tin cậy như Nga.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters gắn tình hình khó khăn hiện nay với một nguy cơ đảo chính ở nước Nga, Tổng thống Putin tin tưởng ở Nga không có đảo chính. Điện Kremli được bảo vệ vững chắc mà nền tảng an ninh chính là sự ủng hộ của người dân .
Cuộc thảo luận diễn ra 3 giờ với nhiều câu hỏi thú vị. Theo đánh giá, điểm chung có thể nhận thấy ở nguyên thủ quốc gia Nga là sự bình tĩnh, tự tin trước mọi thách thức, sắc sảo trong câu trả lời.
Theo CPV
Ý kiến ()