Tổng thống Nga, Mỹ tiếp tục bất đồng về vấn đề Ukraine
Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 6/3, đã đưa ra “các bước ngoại giao” giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này của ông Obama xem ra rất khó lòng được Nga chấp nhận bởi hai bên tiếp tục duy trì cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama điện đàm với người đồng cấp Nga về tình hình Ukraine, |
Trong cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, ông Obama tiếp tục cáo buộc chính quyền Moscow có những hành động “vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” của nước Cộng hòa tự trị Crimea, thuộc miền Nam Ukraine, và dẫn đến việc Mỹ cùng một số đối tác khác, trong đó có các nước Liên minh châu Âu, buộc phải đáp trả. Đây là lần thứ 2 trong vòng 6 ngày qua hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ có cuộc điện đàm trực tiếp về tình hình Ukraine.
Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa trở thành nước đầu tiên áp đặt các lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số cá nhân người Nga và Ukraine – được cho là có liên quan tới kế hoạch vốn được Mỹ gọi là “giành quyền tiếp quản Crimea của chính quyền Moscow”. Trước đó, Mỹ cũng đã tuyên bố đình chỉ các cuộc đối thoại thương mại, đầu tư và các hoạt động trao đổi quân sự với Nga.
Tuy nhiên, bên cạnh những tuyên bố và động thái cứng rắn, Tổng thống Mỹ đã để ngỏ một phương án – vốn được nhà lãnh đạo này cho là sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua con đường ngoại giao, trong khi vừa bảo đảm được lợi ích của Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế. Cụ thể, tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine do nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất bao gồm: Khởi động các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Nga và Ukraine; Triển khai các thanh sát viên quốc tế để bảo đảm rằng tất cả mọi quyền lợi của người dân Ukraine đều được tôn trọng, bao gồm cả các tộc người thiểu số Nga tại Ukraine; Rút các lực lượng Nga trở về các căn cứ quân sự ở Crimea và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra tại Ukraine vào tháng 5/2014.
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ tiếp tục thảo luận nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cho dù hai bên đã không thể đi đến một thống nhất chung nào sau hai vòng đối thoại ở Paris (Pháp) và Rome (Italy) vào ngày 5 –6/3.
Đáp lại những tuyên bố của ông Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định chính quyền hiện nay của Kiev đã lên nắm quyền thông qua đảo chính vi hiến, do đó tất cả các quyết định mà chính quyền này đưa ra đối với các tỉnh miền Đông và Nam Ukraine cũng như Cộng hòa tự trị Crimea đều hoàn toàn không hợp pháp. Ông Putin nêu rõ các hành động của Nga tại Crimea đều dựa trên đề nghị và kêu gọi giúp đỡ từ khu vực này, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ giữa hai cường quốc trong đảm bảo an ninh và ổn định trên toàn thế giới. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng không nên để những bất đồng trong các vấn đề quốc tế, dù quan trọng, gây tác hại đến quan hệ đó.
Như vậy, bên cạnh những lời chỉ trích, đe dọa của ông Obama và lập trường cứng rắn của Nga, thì cuộc điện đàm lần này đã có một nét mới so với cuộc điện đàm lần đầu tiên giữa hai nguyên thủ diễn ra vào ngày 2/3, đó là việc Tổng thống Mỹ nêu “đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng con đường ngoại giao”. Tuy nhiên, những tuyên bố mới nhất của ông Putin cho thấy, cho dù luôn ủng hộ một giải pháp êm thấm cho cuộc khủng hoảng Ukraine, song Nga sẽ khó lòng chấp nhận tất cả những đề xuất mà ông Obama đưa ra về vấn đề này. Bởi cho đến nay, Nga vẫn tiếp tục duy trì một lập trường vững vàng nhằm bác bỏ tính hợp pháp của chính phủ tạm quyền Ukraine. Chính bởi thế, việc diễn ra một cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Nga và Ukraine – vốn không được Nga thừa nhận sẽ là điều “không thể”. Thậm chí trong cuộc họp báo đầu tiên về tình hình Ukraine, ngày 4/3, ông Putin cũng đã từng khẳng định Nga sẽ không chấp nhận cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra vào tháng 5/2014 nếu như tình hình căng thẳng hiện nay không được cải thiện.
Có lẽ cho đến nay, một dấu hiệu “tích cực” duy nhất trong quan hệ hợp tác Nga –Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là việc Ngoại trưởng Lavrov và ông Kerry nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vấn đề gai góc này.
Theo CPV
Ý kiến ()